Nổi Mề Đay Do Dị Ứng Thuốc: Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý
Nổi mề đay do dị ứng thuốc là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề với loại thuốc đang sử dụng. Tình trạng này tương đối nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Nhận biết và sơ cứu tại chỗ là những điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho tình trạng này. Để nắm rõ hơn vấn đề này, người bệnh cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Nổi mề đay do dị ứng thuốc là gì? Tại sao lại có hiện tượng này?
Nổi mề đay do dị ứng thuốc là hiện tượng xảy ra sau khi cơ thể dung nạp một loại thuốc nào đó (có thể là thuốc Tây y, thuốc Đông y hoặc bài thuốc dân gian). Biểu hiện của bệnh là da bị nổi mẩn đỏ, cộm gây ngứa dữ dội, rất khó chịu.
Trường hợp nặng còn khiến người bệnh gặp hiện tượng sốc phản vệ, khó thở dữ dội thậm chí hôn mê.
Nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng là do cơ thể phản ứng lại với các tác nhân lạ có trong thuốc và sản sinh ra histamin, chất gây ngứa và mẩn đỏ ở da. Một số nguyên nhân thường gặp như:
- Thuốc sử dụng lần đầu: Hệ thống miễn dịch của cơ thể lần đầu tiếp xúc các thành phần lạ trong thuốc sẽ rất dễ sinh ra phản ứng dị ứng.
- Cơ địa dị ứng: Với những người có tiền sử dị ứng thuốc sẽ mắc phải tình trạng này.
- Do chất bảo quản, tá dược trong thuốc: Nhiều người mắc dị ứng do thành phần, tỷ lệ chất bảo quản và các chất phụ gia khác trong thuốc chưa hợp lý hoặc lẫn các tạp chất chưa qua xử lý.
- Thuốc hết hạn sử dụng: Khi thuốc bị hết hạn sử dụng các thành phần trong thuốc không còn tác dụng điều trị mà trở thành chất độc cho cơ thể
- Tự ý sử dụng thuốc: Việc tự ý dùng thuốc, tự ý tăng, giảm liều lượng thuốc là nguyên nhân gây dị ứng thuốc ở nhiều người..
Nổi mề đay do dị ứng thuốc nguy hiểm tùy từng trường hợp và mức độ dị ứng. Ở mức độ nhẹ, tình trạng này có thể tự hết. Ngược lại, ở mức độ nặng hơn, bệnh có thể gây ra nhiều biểu hiện cấp tính, có thể gọi là sốc phản vệ do dị ứng thuốc, có thể gây tử vong.
Các nhóm thuốc dễ gây dị ứng và nổi mề đay
Nổi mề đay có thể gặp ở nhiều đối tượng, với nhiều loại thuốc theo nhiều cơ chế khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số nhóm thuốc dưới đây được liệt vào danh sách cần chú ý khi sử dụng gồm:
- Thuốc kháng sinh: Nhóm này tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng cao nhất, do đó người bệnh phải kiểm soát chặt chẽ khi dùng. Một số thuốc dễ gây dị ứng như: Penicillin; Sulfonamide; Streptomycin;….
- Thuốc trị bệnh động kinh: Phenobarbital; Phenytoin; Carbamazepin;….
- Thuốc trị hạ sốt, giảm đau, chống viêm nhóm NSAIDs: Paracetamol; Ibuprofen;….
- Thuốc bổ, vitamin: Vitamin B; Vitamin C;….
- Thuốc có nguồn gốc từ chất đạm (peptit, protein): Các hormon,…
- Thuốc gây tê: Sử dụng trong tiểu phẫu, phẫu thuật như Lidocain; Novocain;….
- Thuốc nhỏ mắt, thuốc sử dụng bôi ngoài da, kem tẩy lông, thuốc nhuộm tóc,….
- Thuốc cản quang (dùng khi cần làm xét nghiệm), thuốc điều trị tiểu đường nhóm sulfamid, thuốc trị bệnh gout;…
- Thuốc Đông y: Với những người có cơ địa dị ứng với một thành phần nào đó của bài thuốc đông y cũng có thể dẫn đến nổi mề đay
- Các bài thuốc mẹo trong dân gian: Nhiều người có thể bị kích ứng, dị ứng với một số loại thảo dược tự nhiên.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, tỷ lệ nổi mề đay ở những dạng thuốc đường uống cao hơn rất nhiều (chiếm khoảng 70%) so với thuốc tiêm, bôi ngoài da. Để hạn chế tình trạng này cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Dấu hiệu của nổi mề đay do dị ứng thuốc
Có hai trường hợp dị ứng thuốc có thể xảy ra, là dị ứng nhanh và dị ứng chậm với các triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau:
Phản ứng dị ứng nhanh gây nổi mề đay
Xuất hiện ngay sau khi dùng thuốc với các biểu hiện:
- Nổi mẩn đỏ, mề đay toàn thân, rất ngứa ngáy, khó chịu
- Cảm giác nóng người, đặc biệt là đỏ bừng mặt, tăng thân nhiệt
- Đau bụng, buồn nôn, nôn
- Cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh
- Ù tai, chóng mặt, đau đầu
- Khó thở, thở nhanh
Tình trạng này được đánh giá là mức độ nguy hiểm. Do cơ thể phản ứng ngay với thuốc với những biểu hiện cấp tính. Trong trường hợp này, người bệnh được khuyến cáo đến bệnh viện ngay lập tức.
Bởi, nếu kéo dài thời gian có thể gây ra sốc phản vệ, gây bít tắc đường thở, suy hô hấp và có thể hôn mê.
Dị ứng chậm
Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn, thường xuất hiện sau 24 giờ, thậm chí là vài ngày sử dụng. Bệnh nhân có xuất hiện các biểu hiện nổi mề đay nhưng ở mức nhẹ hơn, có thể gây ngứa hoặc không.
Các vết mề đay tập trung ở một số vị trí hoặc lan ra toàn thân tùy người bệnh. Hiếm thấy các biểu hiện cấp tính như khó thở, rối loạn nhịp tim, chóng mặt.
Do đó, trường hợp này cũng không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi khi ngưng sử dụng thuốc.
Xử lý như thế nào khi bị nổi mề đay do dị ứng thuốc?
Biện pháp điều trị đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ tiềm ẩn khi bị nổi mề đay do dị ứng thuốc. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì, người bệnh cũng cần cảnh giác và theo dõi cơ thể trước và sau uống.
Thăm khám và điều trị bằng thuốc Tây y
Đưa người bệnh tới ngay các cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện một trong những dấu hiệu sau đây:
- Khó thở, thở rít (tình trạng giống như bệnh hen suyễn)
- Người bệnh khó nói chuyện, có cảm giác nghẹn ở cổ họng
- Xuất hiện phù, mề đay diện rộng, ngứa, thậm chí đau dữ dội
- Đau thắt vùng ngực
- Sưng môi, mặt, mắt và lưỡi
- Mất ý thức, ngất xỉu
Sau khi bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân và mức độ dị ứng, người bệnh có thể được kê một số loại thuốc như:
- Thuốc dị ứng (kháng H1): Một số loại thuốc như: Cetirizin; Fexofenadin; Loratadin;…. được chỉ định trong các trường hợp nổi mề đay do dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn,….Nếu người bệnh ở trạng thái bất tỉnh, có thể sẽ phải dùng thuốc tiêm.
- Thuốc giãn phế quản: Chỉ định trong trường hợp người bệnh có biểu hiện co thắt phế quản, khó thở. Tùy thuộc tình trạng bệnh nhân mà có thể kê nhóm thuốc tác dụng nhanh, thời gian ngắn (Salbutamol; Terbutaline;…); thuốc tác dụng chậm, kéo dài (Salmeterol; Bambuterol;…)
- Thuốc bôi ngoài giảm ngứa: Nhóm thuốc chứa corticosteroid có tác dụng giảm ngứa, chống viêm và sưng tại vùng da mề đay. Ví dụ các thuốc Hydrocortisone; Betamethasone;…
Những nhóm thuốc Tây này thường cho hiệu quả nhanh, cải thiện các triệu chứng cấp tính của bệnh. Tuy nhiên, các nhóm thuốc này khi sử dụng có thể gây ra tác dụng phụ vì vậy người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định và đơn kê của bác sĩ.
Biện pháp hỗ trợ xử lý tại nhà
Trong trường hợp bị nổi mề đay do dị ứng thuốc tại nhà mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như sau:
- Ngưng sử dụng loại thuốc nghi ngờ gây dị ứng. Theo dõi các biểu hiện của cơ thể và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chi tiết
- Tắm lá khế, lá ngải cứu, lá chè xanh,…g iảm ngứa, cải thiện triệu chứng nóng đỏ, mẩn ngứa ngoài da
- Uống nhiều nước, có thể bổ sung nước từ các loại rau củ quả như rau má, rau tía tô,…
- Hạn chế gãi vùng da mẩn ngứa. Để giảm ngứa an toàn, có thể dùng khăn mềm thấm nước ấm lau nhẹ nhàng lên vùng mề đay
- Thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da mề đay, hạn chế sử dụng mỹ phẩm hoặc những loại kem có nhiều thành phần dễ gây kích ứng
- Nghỉ ngơi, không nên vận động hoặc làm việc trong thời gian có các biểu hiện này. Người bệnh nên ngủ một giấc thật sâu để giảm các triệu chứng khó chịu
Nếu tình trạng dị ứng tiếp tục diễn tiến nặng, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị. Không nên tự ý sử dụng thuốc dị ứng tại nhà hoặc các loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Xử lý tình trạng sốc phản vệ do dị ứng thuốc như thế nào?
Đối với tình trạng nổi mề đay do dị ứng nhanh (tình trạng nặng) dẫn đến sốc phản vệ, người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Ngay lập tức cần ngưng sử dụng thuốc
- Đặt người bệnh nằm ngửa, để chân cao hơn đầu, đầu thấp.
- Nếu bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn mửa, nên để bệnh nhân chuyển sang tư thế nằm nghiêng
- Theo dõi sát sao cho đến khi đến bệnh viện hoặc có bác sĩ cấp cứu tới
Sơ cứu đúng cách cũng là biện pháp hỗ trợ rất hiệu quả trong thời gian chờ nhân viên y tế. Sau khi được chuyển tới bệnh viện, bệnh nhân cần được tiến hành điều trị như sau:
- Tiêm thuốc kháng H1 hoặc Methylprednisolon (mức độ nhẹ)
- Tiêm Adrenalin vào bắp đùi (mức độ nặng)
- Nếu bệnh nhân không thở được phải đảm bảo khai thông đường thở, thở máy và theo dõi sát sao
- Tiến hành các can thiệp y khoa cần thiết khác
Tùy vào mức độ sốc phản vệ của bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định cho phù hợp. Với tình trạng này, mọi thao tác cấp cứu phải diễn ra nhanh chóng vì mọi hiện tượng từ lúc nổi mề đay đến khi hôn mê có thể chỉ kéo dài trong vòng 1-2 tiếng.
Biện pháp phòng ngừa nổi mề đay do dị ứng thuốc
Nổi mề đay do dị ứng thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho người bệnh. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cần thiết. Người bệnh cần lưu ý vài điều sau:
- Không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào (trừ thuốc không kê đơn) cần tuân theo theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
- Dùng thuốc theo đúng liều lượng trong hướng dẫn sử dụng
- Ngưng sử dụng thuốc ngay nếu thấy có biểu hiện: ngứa da, mẩn đỏ, đau đầu, chóng mặt,…
- Với các bài thuốc Đông y, người bệnh cũng nên đi thăm khám trước tại các cơ sở Đông y để được kê đơn và sử dụng thuốc hợp với cơ địa của mình
- Không nên lạm dụng các mẹo điều trị dân gian tại nhà.
- Giữ vệ sinh cơ thể khi có các biểu hiện mề đay, mẩn ngứa để tránh lây lan ra toàn thân
Bài viết vừa rồi đã cung cấp thông tin cho người bệnh về tình trạng nổi mề đay do dị ứng thuốc. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai với mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng nhìn chung đều tương đối nguy hiểm. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm hơn của bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!