Nổi Mề Đay Vào Ban Đêm – Hiện Tượng Nguy Hiểm Đừng Chủ Quan
Nổi mề đay là bệnh lý ngoài da vô cùng phổ biến tại nước ta, đặc biệt là khi giao mùa. Có nhiều người bệnh thường xuyên bị nổi mề đay vào ban đêm kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và có cách nào để điều trị hay không? Tìm ngay câu trả lời trong bài viết sau đây của VNMedipharm.
Nguyên nhân bị nổi mề đay vào ban đêm?
Nổi mề đay là chứng bệnh ngoài da gây các biểu hiện mẩn ngứa, nổi đỏ thành vết, thậm chí gây đau với trường hợp nặng.
Một số trường hợp đặc biệt, người bệnh thường lên mề đay vào buổi đêm, gây mất ngủ vì ngứa, ngủ không sâu giấc, lâu ngày dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
Xác định nguyên nhân gây ngứa vào ban đêm rất quan trọng để có cách xử lý đúng đắn, cụ thể là:
- Biểu hiện tự nhiên của cơ thể: Khoảng thời gian buổi tối, khi nghỉ ngơi là lúc cơ thể cân bằng lại hoạt động của các cơ quan. Vì vậy, đôi khi hoạt động này khiến thân nhiệt tăng cao hơn so với bình thường và gây kích ứng các mao mạch dưới da, nổi mề đay
- Dị ứng thời tiết: Thường xảy ra khi có sự thay đổi thời tiết (đặc biệt khi chuyển từ nóng sang lạnh). Cơ thể chưa thích ứng kịp với nhiệt độ môi trường nên có thể gây dị ứng và ngứa ngáy. Đặc biệt hay xảy ra vào buổi tối khi nhiệt độ giảm sâu.
- Côn trùng cắn: Khoảng thời gian buổi tối, ban đêm là lúc thích hợp cho nhiều loài côn trùng hoạt động. Do đó, nếu không có biện pháp phòng tránh, đặc biệt ở những khu vực nhà ở ẩm thấp, rất dễ bị côn trùng cắn gây sưng tấy, nổi mẩn đỏ trên da.
- Tiếp xúc với lông vật nuôi: Đây cũng có thể là nguyên nhân gây nổi mề đay ban đêm do người bệnh tiếp xúc với lông vật nuôi trong nhà.
- Tiêu thụ nhiều đồ ăn vào buổi tối: Khung giờ 1 – 3 giờ sáng là thời gian gan bắt đầu hoạt động thanh lọc các chất độc trong cơ thể. Nếu nó phải san sẻ năng lượng cho hoạt động tiêu hóa có thể gây tích tụ chất độc và bệnh ngoài da
- Thay đổi hormone trong cơ thể: Buổi tối là thời điểm cơ thể giải phóng nhiều hormone Cytokine – chất trung gian gây viêm nhiễm. Nếu cơ thể không thể cân bằng được lượng hormone này có thể dẫn đến tình trạng nổi mề đay, gây ngứa vào buổi tối
- Suy giảm chức năng gan thận: Gan thận suy giảm chức năng hoạt động sẽ khiến việc thanh lọc và bài tiết chất độc trong cơ thể vào ban đêm bị hạn chế. Đó là nguyên nhân gây mẩn ngứa và mề đay.
- Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác gây nổi mề đay vào ban đêm có thể kể đến như dị ứng thuốc, dị ứng mỹ phẩm, mặc quần áo chật chội, không thấm mồ hôi, bí bách,…
Triệu chứng nổi mề đay vào ban đêm điển hình
Người bệnh không cần quá lo lắng khi bị nổi mề đay vào ban đêm vì tình trạng này không nguy hiểm. Những biểu hiện người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy như:
- Mẩn đỏ, gây ngứa: Vùng da bị kích ứng có cảm giác ngứa râm ran khiến người bệnh muốn gãi, càng gãi càng ngứa
- Nổi thành vết có hình dạng: Đa số các vết mề đay đều có hình dạng nhất định nhưng không đồng nhất về kích thước
- Có thể gây đau: Nếu mề đay gây ra bởi côn trùng cắn, người bệnh sẽ có cảm giác hơi đau tại vị trí bị đốt
- Ngủ không ngon: Giấc ngủ bị ảnh hưởng do vết mề đay gây ngứa, người bệnh không thể ngủ sâu, thường xuyên tỉnh giấc
- Mệt mỏi: Cơ thể không được nghỉ ngơi phù hợp và ngủ đủ giấc là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể nếu kéo dài
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các biểu hiện không đặc trưng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây mề đay. Do đó, cách điều trị hiệu quả nhất là xác định đúng nguyên nhân gây kích ứng.
Cách xử lý khi bị nổi mề đay vào ban đêm
Người bệnh cũng không cần quá lo lắng khi bị nổi mề đay vào ban đêm. Trước hết, cần xác định xem nguyên nhân gây ra tình trạng này và loại bỏ dị nguyên.
Một số trường hợp nguy hiểm như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, tốt nhất người bệnh nên được đưa tới bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Sử dụng thuốc Tây y cải thiện triệu chứng
Với nhóm thuốc Tây y, người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Khi gặp các biểu hiện mẩn ngứa và nổi mề đay vào buổi tối, người bệnh có thể được kê một số nhóm thuốc như:
- Thuốc dị ứng (thuốc kháng H1): Kê với mục đích giúp người bệnh kháng lại histamine trong cơ thể – yếu tố sản sinh ra khi gặp tác nhân kích ứng và gây ngứa
- Thuốc bôi ngoài steroid: Dạng kem bôi ngoài, có tác dụng giảm ngứa, giảm mẩn đỏ cho người bệnh. Bôi một lớp mỏng lên các vết ngứa, để khô tự nhiên khoảng 5-10 phút
- Thuốc chống viêm: Trường hợp bị mề đay do viêm nhiễm và có dấu hiệu nhiễm trùng (gây đau, mưng mủ), cần sử dụng nhóm thuốc này. Tùy tình trạng người bệnh mà bác sĩ có thể kê dạng uống hoặc dạng bôi ngoài
Thuốc Tây y có tác dụng nhanh và hiệu quả, tuy nhiên cũng có thể gây tác dụng phụ cho người bệnh nếu không dùng đúng cách.
Do đó, tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ là biện pháp tốt nhất để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc
Các biện pháp xử lý tại nhà
Ngoài biện pháp dùng thuốc, khi có biểu hiện nổi mề đay vào ban đêm mà chưa thể đến bệnh viện ngay. Người bệnh có thể áp dụng các mẹo sau để cải thiện triệu chứng ngứa rát trên da.
Cụ thể như:
- Chườm nước mát: Người bệnh có thể sử dụng túi chườm hoặc ngâm vùng da lên mề đay bằng nước mát. Lưu ý nhiệt độ của nước sao cho nước không quá nóng và không quá lạnh
- Thoa kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm tại nhà cũng có thể sử dụng như một biện pháp hỗ trợ giảm ngứa. Người bệnh nên sử dụng loại kem dịu nhẹ hoặc chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên để hạn chế kích ứng vùng da bị tổn thương
- Đắp muối: Người bệnh có thể sử dụng muối (nguyên liệu thiết yếu trong mỗi gia đình), đảo qua trên chảo cho nóng. Sử dụng khăn sạch, bọc kín và chườm lên vùng da bị mề đay
- Mặc quần áo phù hợp: Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và thấm hút mồ hôi, tránh ứ đọng mồ hôi tại vết mề đay. Nếu mẩn ngứa do thay đổi thời tiết, trời trở lạnh, người bệnh nên giữ ấm cho vùng da bị tổn thương.
- Uống nhiều nước: Uống nước cũng là biện pháp giúp cơ thể bớt ngứa. Có thể uống nước khoáng hoặc nước ép hoa quả, nước ép rau má, ….
Uống trà thảo dược giảm triệu chứng theo mẹo dân gian
Ngoài ra, khi có các triệu chứng mẩn ngứa, nổi mề đay vào ban đêm, người bệnh cũng có thể sử dụng một số loại trà thảo dược để cải thiện triệu chứng.
- Uống trà gừng: Gừng có tính nóng nên có tác dụng làm ấm cơ thể, giúp cải thiện tình trạng mề đay trên da vào buổi tối. Khi uống trà gừng, người bệnh nên thêm 1 thìa mật ong để gia tăng hương vị và hiệu quả điều trị cao hơn
- Uống trà hoa cúc: Hoa cúc là thảo dược có tác dụng an thần và kháng viêm tương đối tốt. Uống trà khi có biểu hiện mẩn ngứa vào buổi tối giúp người bệnh giảm ngứa, ngủ ngon hơn, không bị tỉnh giấc, gây mệt mỏi
- Uống trà cam thảo: Cam thảo là vị thuốc đông y quen thuộc với tác dụng thanh nhiệt, giảm ngứa, chống dị ứng. Do đó, có thể dùng trà cam thảo tại nhà khi có các biểu hiện nổi mề đay, mẩn ngứa ngoài da.
Người bệnh lưu ý nhiệt độ của trà khi uống, nên để nguội bớt đến ấm, không nên uống quá nóng gây bỏng và kích ứng các vết mề đay.
Cũng không nên uống khi nguội hẳn vì có thể giảm tác dụng của các hoạt chất trong trà
Lưu ý gì khi thường xuyên bị nổi mề đay vào ban đêm
Với người bệnh bị nổi mề đay vào ban đêm, cần lưu ý vài điều sau để có thể cải thiện triệu chứng và không ảnh hưởng đến giấc ngủ:
- Loại bỏ dị nguyên gây kích ứng (nếu có) ra khỏi khu vực nằm và ngồi của người bệnh
- Vệ sinh thân thể hàng ngày, đặc biệt vùng da bị tổn thương để cải thiện triệu chứng mẩn ngứa
- Hạn chế gãi. Hành động gãi sẽ khiến vết mề đay càng lan rộng và người bệnh càng ngứa hơn
- Không tự ý sử dụng thuốc dị ứng tại nhà. Nếu chưa thể đi khám ngay, có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ và đi khám vào ngày hôm sau
- Nếu nổi mề đay đi kèm các biểu hiện sốt, khó thở, buồn nôn, nôn,….tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện, tránh gây biến chứng và nguy hiểm tới tính mạng
- Thường xuyên vệ sinh nhà ở, thay chăn ga, gối đệm và hút bụi những khu vực vật nuôi thường nằm
- Không cho vật nuôi ngủ chung giường (đặc biệt với những người có cơ địa dị ứng)
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ phù hợp, không để quá nóng hoặc quá lạnh
- Hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm (trừ kem dưỡng ẩm dịu nhẹ) trong thời gian nổi mề đay
Nổi mề đay vào ban đêm là tình trạng không quá nguy hiểm nhưng có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người bệnh.
Tuy nhiên, cũng không cần quá lo lắng, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp giảm ngứa tại nhà và đi khám bác sĩ chuyên khoa. Cần theo dõi sát sao người bệnh trong thời gian ngủ nghỉ, nếu có dấu hiệu bất thường cần đưa đi bệnh viện ngay.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!