Đứt Dây Chằng Cổ Chân: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Xử Lý
Đứt dây chằng cổ chân gây ra những cơn đau nhức, sưng tấy và việc đi lại không thể bình thường. Khi bị chấn thương này việc điều trị y tế càng sớm càng tốt là cần thiết để bảo toàn khả năng vận động. Vậy nên nếu có dấu hiệu của bệnh, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán, kiểm tra và hướng dẫn điều trị.
Đứt dây chằng cổ chân là gì?
Đứt dây chằng cổ chân chính xác là tình trạng dây chằng xung quanh khớp cổ chân bị kéo căng quá mức dẫn đến giãn và đứt hoàn toàn. Đây được xem là tổn thương nghiêm trọng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người lớn tuổi hay những người chơi thể thao, bị chấn thương do té ngã sẽ có nguy cơ cao hơn.
Tình trạng căng giãn quá mức dẫn tới đứt dây chằng thường xảy ra sau khi cổ chân lệch sang một bên, bàn chân có xu hướng xoay vào trong. Do bị xoắn đột ngột cộng thêm lực tác động mạnh từ các chấn thương và va đập nên khó tránh khỏi dây chằng – xương khớp bị ảnh hưởng.
Người bệnh có thể đau từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy theo mức độ chấn thương. Khớp lúc này rất lỏng lẻo, khu vực tổn thương sưng to, mất cân bằng và kèm theo nhiều triệu chứng khác. Vậy nên để xác định được tình trạng chính xác, người bệnh nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám – chẩn đoán tốt hơn.
Đứt dây chằng chia thành mấy cấp độ?
Đứt dây chằng cổ chân thông thường sẽ được chia thành 3 cấp độ cụ thể như sau:
- Cấp độ 1: Dây chằng bị giãn quá mức dẫn tới tổn thương nhưng không bị rách. Tổn thương có thể giảm sau vài ngày và lành hẳn trong vòng 2 tuần. Sau khi tổn thương giảm, chân của bạn sẽ cử động lại như bình thường.
- Cấp độ 2: Dây chằng bị tổn thương và bị rách một phần, khớp lỏng lẻo, khó cử động và đứng dậy. Bệnh nhân phải cần khoảng 6 tới 8 tuần để phục hồi hoàn toàn.
- Cấp độ 3: Trường hợp này dây chằng sẽ rách hoàn toàn, bệnh nhân không thể đứng hay di chuyển chân bị tổn thương. Tình trạng đau nhức nghiêm trọng và kéo dài khiến các khớp sưng to. Thông thường, các bạn cần khoảng 3 tới 6 tháng để điều trị tích cực và phục hồi khả năng vận động.
XEM THÊM: Đứt dây chằng chéo sau có nguy hiểm không?
Dấu hiệu đứt dây chằng cổ chân
Dấu hiệu đứt dây chằng cổ chân khá đơn giản, tuy nhiên tùy theo tình trạng nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể cảm nhận được. Cụ thể:
- Đau đột ngột và dữ dội sau khi chấn thương xảy ra.
- Đau dữ dội kéo dài hoặc âm ỉ và giảm nhẹ sau vài tiếng.
- Đau nhiều hơn khi người bệnh cố gắng đứng dậy và đi lại.
- Bạn sẽ có cảm giác cơn đau sâu bên trong, đặc biệt là khi nắn hay ấn vào.
- Cơn đau thuyên giảm khi bạn nằm nghỉ và các áp lực lên khớp cổ chân không còn lớn.
Ngoài đau nhức, đứt dây chằng chân còn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khác như:
- Mất cân bằng tạm thời.
- Bầm tím.
- Sưng tấy.
- Sờ thấy ấm nóng.
- Thay đổi dáng đi.
- Khớp không ổn định hoặc có cảm giác lỏng lẻo khó di chuyển.
- Không thể cử động cổ chân bị thương.
- Phạm vi chuyển động của người bệnh bị hạn chế.
- Khó đứng dậy, đi lại.
- Có cảm giác đứt hoặc rách bên trong.
- Yếu cơ.
- Xuất hiện tiếng kêu hoặc tiếng nổ nhỏ nếu dây chằng bị đứt.
- Tê buốt.
Đối tượng nguy cơ cao
Đứt dây chằng ở cổ chân có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm đối tượng nào. Tuy nhiên, nguy cơ cao gặp phải chấn thương này nằm ở nhóm đối tượng sau:
- Độ tuổi: Những người ở độ tuổi trung niên sẽ có nguy cơ giãn, đứt dây chằng cổ chân cao hơn so với các bạn trẻ. Nguyên nhân là bởi dây chằng bị thoái hóa, độ dẻo dai giảm theo tuổi tác.
- Yếu tố nghề nghiệp: Người lao động nặng nhọc, thường xuyên phải mang vác vật nặng hoặc thực hiện những động tác làm áp lực lên cổ chân thường dễ bị tổn thương dây cổ chân.
- Vận động viên: Loại tổn thương này hay xuất hiện ở những người chơi các môn thể thao tiếp xúc hoặc mạo hiểm như: Nhảy xa, nhảy cao, chạy tiếp sức, đá bóng, trượt ván, đạp xe leo núi,…
- Thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa tạo ra nhiều áp lực lên cổ chân và dây chằng. Từ đó tạo điều kiện cho các tổn thương và những biến chứng có thể xảy ra.
- Bệnh lý: Nguy cơ bị đứt dây chằng sẽ cao hơn ở những người đã từng gặp chấn thương trước đó hoặc có bệnh lý liên quan tới cổ chân như viêm khớp cổ chân, thoái hóa khớp cổ chân, sai khớp,…
Đứt dây chằng cổ chân có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia xương khớp, cấu trúc cổ chân gồm có xương mác, xương chày, xương sên, xương gót,… Đây đều là những bộ phận được bao quanh với nhau bởi một hệ thống dây chằng. Trong hệ thống dây chằng này, dây chằng nằm ở phía ngoài cổ chân là bộ phận dễ bị tổn thương nhất.
Khác với giãn dây chằng đầu gối, cổ tay hay một số vị trí còn lại, đứt dây chằng cổ chân có mức độ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, phần lớn chúng đều có đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa, đặc biệt là khi được can thiệp đúng cách và kịp thời.
Đứt dây chằng cổ chân bao lâu thì khỏi? Khi chăm sóc và điều trị, thông thường các triệu chứng ở người bệnh sẽ giảm sau 48g giờ, tổn thương phục hồi trong vòng 2 tuần hoặc kéo dài tới vài tháng. Điều này phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của các chấn thương.
Với những trường hợp không được điều trị sớm hay điều trị không đúng cách, tốc độ cũng như khả năng phục hồi có thể bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, bệnh nhân cũng có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:
- Thoái hóa khớp cổ chân.
- Đau khớp mãn tính.
- Yếu và teo cơ chân.
- Dị tật vĩnh viễn.
- Chúng làm hạn chế phạm vi chuyển động của khớp.
- Làm giảm khả năng vận động của người gặp chấn thương.
- Viêm khớp tiến triển.
XEM THÊM: Bị gãy khớp cùng chậu có những biến chứng gì?
Phương pháp chẩn đoán đứt dây chằng cổ chân
Sưng khớp, bầm tím, đau nhức nghiêm trọng có thể khiến bác sĩ chuyên khoa nhầm lẫn giãn – đứt dây chằng cổ chân với gãy mắt cá chân. Vậy nên bác sĩ cần kiểm tra kỹ lưỡng bàn chân, phần chân dưới, mắt cá chân trước khi đưa ra kết quả chẩn đoán sau cùng.
Bệnh nhân sẽ được tiến hành kiểm tra mức độ đau nhức, vị trí tổn thương và khả năng cử động của bàn chân. Việc này giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương, khả năng cử động của người bệnh tốt hay xấu.
Nếu chấn thương nghiêm trọng, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán chính xác. Đồng thời giúp bác sĩ phân biệt được tổn thương dây chằng cổ chân với một số tình trạng khác để đưa ra hướng điều trị hiệu quả.
Một số xét nghiệm hình ảnh thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định như:
- Chụp X-quang: Mục đích của việc chụp chiếu này là để phân biệt giãn – đứt dây chằng chân với gãy xương cổ chân. Chụp X-quang cho phép bác sĩ kiểm tra các vấn đề ở xương cũng như vết nứt tốt hơn.
- Chụp CT: Hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính nhằm cung cấp thông tin chi tiết hơn so với hình ảnh mà X-quang thu được. Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ kiểm tra xương, mạch máu và các mô mềm. Từ đó, giúp xác định chính xác vấn đề mà người bệnh đang gặp phải.
- Chụp MRI: Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ này sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc ổ khớp. Giúp bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán nhanh, chính xác trạng đứt – giãn dây chằng và có hướng điều trị thích hợp.
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm cung cấp mức độ giãn dây chằng và khả năng đứt – rách dây chằng của người bệnh.
Các cách chữa trị đứt dây chằng cổ chân phổ biến
Chữa trị đứt giãn cổ chân nhằm mục đích tạo hình lại dây chằng, đồng thời làm giảm tình trạng sưng đau, tăng cường sức mạnh cũng như khôi phục nhanh chóng phạm vi chuyển động của khớp cổ chân.
Với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp điều trị triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên, khi tổn thương ở mức nghiêm trọng hơn hoặc dây chằng bị đứt, bạn cần tiến hành tạo hình lại dây chằng với những phương pháp chuyên sâu theo yêu cầu của bác sĩ.
Điều trị tại nhà
Như đã đề cập, ở những trường hợp bị nhẹ hoặc các tình huống muốn sơ cứu tổn thương trước khi tới bệnh viện thì có thể áp dụng những biện pháp sau đây:
- Chườm đá
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiệt độ thấp có tác dụng gây tê và giảm đau tại chỗ. Đồng thời, chúng còn giúp giảm sưng nhờ khả năng co mạch và ngăn máu dồn về khớp tổn thương.
Ngoài ra, biện pháp này còn có tác dụng làm co dây chằng, giúp chúng trở về vị trí ban đầu. Chườm đá nên được thực hiện ngay khi chấn thương vừa diễn ra. Bạn có thể dùng đá lạnh để massage trực tiếp hoặc dùng túi đá áp lên vị trí tổn thương từ 15 – 20 phút và lặp lại cách đó khoảng 2 – 4 giờ/lần.
- Nghỉ ngơi
Người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ để giảm sưng, đau do đứt – giãn dây chằng cổ chân. Nghỉ ngơi giúp bệnh nhân thả lỏng ổ khớp và mô mềm xung quanh cũng như làm giảm áp lực tới dây chằng đang bị tổn thương. Lúc này bạn sẽ thấy các cơn đau được xoa dịu ngay lập tức, giảm sưng và hạn chế tổn thương thêm.
Hãy nằm trên sàn nhà hoặc đệm không quá mềm, bạn thả lỏng cơ thể, đặc biệt là chân. Nghỉ ngơi ít nhất khoảng 48 tiếng và tuyệt đối không cố gắng đi lại hay vận động mà chúng ta chỉ nên đi lại nhẹ nhàng khi cơn đau đã thuyên giảm.
- Nâng chân cao hơn tim
Đây là biện pháp giảm sưng hiệu quả được nhiều chuyên gia xương khớp khuyên dùng cho những trường hợp gặp vấn đề về dây chằng. Nâng chân cao hơn tim có tác dụng giảm lưu lượng máu lưu thông tới khớp tổn thương. Từ đó làm hạn chế tình trạng sưng, bầm tím và góp phần làm giảm cơn đau.
Bệnh nhân khi nghỉ ngơi nên dùng một chiếc gối hay một chiếc chăn mỏng cuộn tròn và đặt dưới cổ chân.
- Nẹp cố định
Việc cố định vùng bị thương bằng nẹp hay quấn vải quanh cổ chân sẽ giúp hạn chế những chuyển động xấu, ngăn tổn thương tiến triển và giảm sưng, đau nhức.
- Sử dụng thuốc giảm đau
Trường hợp đau nhức nghiêm trọng và các cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm sau vài ngày nghỉ ngơi, chườm đá, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm bớt triệu chứng. Những loại thuốc này có tác dụng giảm đau, giảm sưng viêm và tăng khả năng vận động cho bệnh nhân. Cụ thể như: Paracetamol, Ibuprofen, Menthol,….
XEM THÊM: Cách cải thiện chấn thương với xương cổ tay
Vật lý trị liệu
Khi đã hết sưng và giảm đau, bệnh nhân nên tới gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập cũng như có kế hoạch kéo giãn tùy chỉnh phù hợp. Biện pháp này sẽ giúp người bệnh bị đứt, giãn chằng cổ chân phục hồi chức năng của mắt cá chân và dây chằng, đồng thời hạn chế đau nhức, tăng khả năng vận động.
Phẫu thuật
Nếu bị đứt dây chằng cổ chân thì bạn cần được tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt. Phương pháp này sẽ giúp tạo hình lại dây chằng cũng như giúp ổ khớp bớt lỏng lẻo, phục hồi chức năng của mắt cá chân.
Bên cạnh đó, phương pháp phẫu thuật còn được chỉ định cho một vài trường hợp như:
- Không thể phục hồi do dây chằng bị căng giãn quá mức.
- Sau vài tháng điều trị nội khoa tích cực nhưng kết quả thu về không được như mong muốn.
Những phương pháp phẫu thuật thường sẽ được áp dụng dựa theo tình trạng sau:
- Phẫu thuật nối dây chằng.
- Phẫu thuật nội soi khớp.
- Phẫu thuật tạo hình lại dây chằng để đảm bảo các chức năng được hoạt động bình thường.
- Phẫu thuật cố định khớp.
Phòng ngừa đứt, giãn dây chằng cổ chân
Rất khó để tìm ra một biện pháp nào có thể phòng ngừa hoàn toàn các chấn thương và với đứt dây chằng cổ chân cũng vậy. Để giảm thiểu tình trạng này, các bạn chỉ có thể tham khảo và áp dụng một số biện pháp như sau:
- Giảm chấn thương bằng việc thận trọng trong các hoạt động lao động, sinh hoạt, thể thao hay lái xe.
- Lựa chọn giày phù hợp, vừa vặn để tránh bị té ngã khi di chuyển. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế mang giày cao gót, đặc biệt là những đôi giày trên 7 phân.
- Hãy cân bằng thời gian nghỉ ngơi và vận động, tránh lạm dụng khớp cổ chân.
- Hạn chế chơi những môn thể thao nguy hiểm cũng như làm tăng nguy cơ đứt, giãn dây chằng cổ chân, chẳng hạn như trượt ván, đá bóng,…
- Đừng quên khởi động trước khi chơi thể thao, nhất là những môn thể thao dễ gặp chấn thương hay phải sử dụng khớp cổ chân liên tục như chạy nước rút, đua xe đạp, bóng đá, nhảy xa, nhảy cao,… Việc này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, cải thiện lưu lượng máu và làm nóng cơ thể, hạn chế chấn thương.
- Duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải, tránh tăng cân đột ngột, khiến cơ thể trở nên béo phì, thừa cân.
- Ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm góp phần nâng cao sức khỏe xương khớp, tăng độ bền dây chằng. Nhờ đó, ngăn ngừa thoái hóa, giảm nguy cơ tổn thương khi xảy ra va chạm.
- Tập cho bản thân thói quen vận động thường xuyên để tăng tính linh hoạt, hạn chế cứng khớp và thoái hóa khớp làm tăng áp lực lên dây chằng.
Đứt dây chằng ở cổ chân là tình trạng thường gặp và có tính nguy hiểm cao. Ngay khi xuất hiện triệu chứng đứt dây chằng cổ chân, bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm cơn đau, hạn chế tổn thương tiến triển. Sau đó, bạn cần di chuyển ngay tới cơ quan y tế gần nhất để được khám và có biện pháp hướng dẫn điều trị – phục hồi chức năng phù hợp. Hãy ghi nhớ rằng, việc chủ quan có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ không thể đi lại được hoặc bị dị tật suốt đời.
ArrayArrayTÌM HIỂU THÊM:
- Những vấn đề thường gặp với xương bàn tay
- Cách xử lý chấn thương với xương cánh tay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!