Tin tức

Xương Bánh Chè: Vị Trí, Chức Năng Và Bệnh Lý Thường Gặp

Xương bánh chè chính là lá chắn bảo vệ cho phần còn lại của khớp gối. Chiếc xương này cũng hỗ trợ các hoạt động của đầu gối gồm chạy, nhảy, đá hoặc uốn cong theo ý muốn. Vậy xương bánh chè ở đâu, chức năng là gì và bệnh lý thường gặp là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích về vấn đề này.

Xương bánh chè là gì? Vị trí ở đâu?

Xương bánh chè là một đoạn xương nhỏ thuộc phần đầu gối, có vị trí ở trước khớp gối và trước đầu dưới xương đùi. Hình dáng xương tương tự như hình tam giác hơi tròn, nằm sát da. Chúng ta có thể sờ thấy xương này khi ngồi ở tư thế duỗi gối.

Hình dạng của xương bánh chè
Hình dạng của xương bánh chè

Đây cũng là xương vừng lớn nhất cơ thể, thuộc hệ thống duỗi đầu gối, có chức năng che chở và bảo vệ mặt trước của khớp gối. Cũng vì lý do này nên xương bánh chè rất dễ bị chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc thậm chí là do va chạm trong sinh hoạt hàng ngày.

Cấu trúc xương bánh chè

Xương bánh chè được bọc bên ngoài bởi tổ chức xương đặc và ở trong là tổ chức xương xốp. Cấu tạo của xương gồm hai mặt trước-sau, hai bờ trong-ngoài cùng một đỉnh và một đáy. Khi mới sinh ra, toàn bộ xương này được cấu trúc bởi sụn, vào khoảng năm 3-4 tuổi theo quá trình phát triển mới bắt đầu cốt hóa thành xương. Cấu trúc cụ thể như sau:

Hai mặt xương

Hai mặt xương được chia thành mặt trước và mặt sau, mỗi mặt có những đặc điểm rất riêng biệt:

  • Mặt trước: Có cấu trúc hơi lồi, xù xì với nhiều khía rãnh cho gân cơ tứ đầu đùi bám vào. Nếu như mất đi xương này, cơ tứ đầu sẽ mất đi nơi tựa vững chắc, vì vậy nên động tác duỗi gối sẽ bị yếu đi.
  • Mặt sau: Còn được gọi là mặt khớp, với 4/5 diện tích khớp với diện bánh chè của xương đùi. Bề mặt khớp ở người trưởng thành có diện tích khoảng 12 cm2, được bao phủ bởi sụn. Vì phải chịu áp lực lớn trong động tác gấp gối nên sụn khớp xương bánh chè là nơi dày nhất trong số các sụn khớp trên cơ thể con người. Vào độ tuổi 30, bề dày tối đa ở trung tâm của lớp sụn này có thể lên tới 6mm. Khớp này sẽ được chia thành diện ngoài và diện trong bằng một gờ chia diện khớp. Diện ngoài có cấu tạo rộng và sâu hơn diện trong, diện trong còn có một diện nhỏ được gọi là mặt lẻ.

Có thể bạn quan tâm:

Vị trí của xương bánh chè ở đầu gối
Vị trí của xương bánh chè ở đầu gối

Các phần khác

Ngoài hai mặt xương, cấu trúc xương bánh chè còn được chia thành hai bờ, một đỉnh và một đáy, với các đặc điểm như sau:

  • Hai bờ xương: Bao gồm bờ trong và bờ ngoài, là nơi bám của các thành phần gân cơ tứ đầu đùi cùng với các sợi lưới bên trong và ngoài xương tương ứng.
  • Nền: Là nơi bám của gân cơ tứ đầu đùi.
  • Đỉnh: Nằm ở dưới, là nơi bám của dây chằng bánh chè,

Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể xuất hiện một số biến thể của xương bánh chè. Chẳng hạn như: xương bị khiếm khuyết một mảnh, xương bánh chè đôi,… Trong đó, hầu hết các trường hợp xương đôi đều xảy ra ở nam giới và được chia thành ba loại với đặc điểm khác nhau, cần phải chẩn đoán phân biệt với một số trường hợp gãy xương.

Chức năng của xương bánh chè

Như đã nhắc đến ở trên, xương bánh chè là xương vừng lớn nhất cơ thể, giữ chức năng chính trong hệ thống duỗi đầu gối. Trước kia xương này từng được xem như một ròng rọc không ma sát, nhưng trong các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng xương này hoạt động như một cán cân. Nhờ đó, mô men lực được tạo ra bởi cơ tứ đầu tăng lên khoảng 33-55%, giúp cho quá trình duỗi gối diễn ra đơn giản và hiệu quả hơn.

Xương bánh chè giữ chức năng chính trong hệ thống duỗi đầu gối
Xương bánh chè giữ chức năng chính trong hệ thống duỗi đầu gối

Vai trò chính của xương này là điều chỉnh chiều dài, lực và hướng của gân bánh chè cùng gân cơ tứ đầu đùi. Mỗi đội ấp gối khác nhau sẽ ứng với một vị trí cánh tay đòn khác nhau. Khi thực hiện động tác gấp gối, xương bánh chè sẽ di chuyển xuống dưới, vị trí tiếp xúc với xương đùi sẽ di chuyển từ đỉnh đến đáy, tạo ra khoảng cách từ xa đến gần.

Bên cạnh đó, vì có vị trí nằm giữa gân cơ tứ đầu và lồi cầu của xương đùi nên xương bánh chè còn đóng vai trò như một miếng đệm giảm ma sát, bảo vệ gân tứ đầu. Đồng thời, làm phân tán lực đều đến xương bên dưới, giúp giảm thiểu lực ép của cơ tứ đầu lên xương đùi.

Tóm lại, vai trò của xương bánh chè trong chức năng khớp gối và vô cùng quan trọng và không thể thay thế. Vừa giúp bảo vệ, ổn định khớp gối, vừa giúp hỗ trợ hoạt động của cơ tứ đầu đùi.

Bệnh lý và vấn đề thường gặp ở xương bánh chè

Đầu gối nói chung và xương bánh chè nói riêng thường gặp phải nhiều bệnh lý và chấn thương do hoạt động thể thao hoặc tai nạn, té ngã,… Trong đó, một số chấn thương nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chức năng của đầu gối bao gồm:

Trật xương

Đây là loại chấn thương đầu gối rất thường gặp, tình trạng phổ biến là xương bị trật sang bên. Dựa vào thăm khám lâm sàng và chụp X quang, bác sĩ sẽ loại trừ khả năng gãy xương sau đó đưa ra phương pháp điều trị trật xương hợp lý.

Trật xương bánh chè
Trật xương bánh chè

Bệnh nhân bị trật xương bánh chè có thể gặp phải tình trạng vỡ sụn xương hoặc lồi cầu ngoài xương đùi. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải biến chứng thoái hóa khớp. Những trường hợp có bất thường khớp chè đùi, có thể bị trật khớp tái phát hoặc bán trật bánh chè.

Phương pháp điều trị chính trong trường hợp trật xương là nắn chỉnh và bất động. Hầu hết các bệnh nhân sẽ không cần thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần khi thực hiện nắn trật xương. Sau khi thực hiện nắn chỉnh xong, người bệnh sẽ được cố định bất động khớp ngay bằng nẹp ôm gối hoặc nẹp gối chỉnh góc với gối gấp 20 độ.

Gãy/vỡ xương

Gãy xương bánh chè còn được gọi là vỡ xương bánh chè, là dạng chấn thương thường gặp nhất ở đầu gối. Nguyên nhân chính gây ra chấn thương này là va chạm lực trực tiếp, ngã từ trên cao hoặc tai nạn lao động, khiến đầu gối bị va đập xuống đất hoặc các vật cứng khi gối đang ở tư thế gấp. Các cơ chế chấn thương gián tiếp ít gặp hơn, thường là do người chơi thể thao co gấp cẳng chân đột ngột, làm bánh chè bị tỳ ép mạnh lên lồi cầu xương đùi gây ra gãy ngang.

Không nên bỏ lỡ:

Gãy/vỡ xương bánh chè
Gãy/vỡ xương bánh chè

Có thể chẩn đoán xác định gãy/vỡ xương bằng khám lâm sàng vì triệu chứng lâm sàng của gãy xương bánh chè rất đặc trưng. Việc chụp X quang khớp gối sẽ xác định rõ vị trí gãy, mức độ di lệch và tổn thương ở các vùng lân cận.

Khi xác định được xương đã bị gãy, bác sĩ sẽ tiến hành sơ cứu theo các bước sau đây:

  • Dùng thuốc giảm đau.
  • Cố định chân tạm thời bằng nẹp gỗ.
  • Chuyển bệnh nhân về khoa chuyên chấn thương chỉnh hình để điều trị.

Các phương pháp điều trị gãy xương bánh chè được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:

  • Điều trị bảo tồn bằng bó bột: Thường được chỉ định cho các trường hợp bị gãy rạn xương, gãy xương có di lệch giãn cách dưới 3mm, chênh diện khớp mặt sau của xương dưới 1mm.
  • Điều trị phẫu thuật: Thường được chỉ trong trường hợp gãy hở xương, gãy xương di lệch lớn hơn mức có thể điều trị bảo tồn hoặc trường hợp khớp giả xương bánh chè.

Gai xương bánh chè

Gai xương bánh chè là nguyên nhân chủ yếu gây đau khớp gối ở người trung niên và cao tuổi hiện nay. Bệnh gây ra do quá trình lão hóa xương khớp, ban đầu sẽ có một chồi xương nhỏ nhô lên khỏi khớp gối và bắt đầu phát triển dần.

Bài đọc thêm:

  • Xương Quay: Vị Trí, Cấu Tạo, Chức Năng Và Các Vấn Đề Thường Gặp
Gai xương gây ra các cơn đau nghiêm trọng
Gai xương gây ra các cơn đau nghiêm trọng

Khi gai xương phát triển nặng hơn, người bệnh sẽ gặp phải các biểu hiện đau nhức khi cử động, khô dịch khớp, mô sụn khớp bị bào mòn, vận động khó khăn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các gai xương sẽ khiến khớp gối trở nên khô cứng. Trong nhiều trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ liệt khớp.

Hiện nay, bệnh lý này thường được điều trị bằng các phương pháp sau:

  • Dùng thuốc: Chủ yếu là thuốc giảm đau, chống viêm không Steroid và các loại thuốc hỗ trợ. Hiệu quả điều trị mang lại rất nhanh chóng và tích cực, nhưng lại có khả năng gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn ảnh hưởng tới dạ dày và hệ tiêu hóa.
  • Phẫu thuật ngoại khoa: Chỉ được chỉ định nếu điều trị nội khoa không có hiệu quả và bệnh đã ở giai đoạn nặng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mổ, đục khớp và thay khớp nhân tạo để loại bỏ gai xương, giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sau phẫu thuật bệnh nhân không được chăm sóc đúng cách thì bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng, hoặc bệnh lý vẫn có thể bị tái phát lại.

Những điều cần lưu ý để bảo vệ xương khớp

Ngay khi phát hiện các chấn thương xương bánh chè, người bệnh nên nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế để được điều trị. Trong sinh hoạt thường ngày trong và sau khi thực hiện điều trị, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

Trong quá trình điều trị chấn thương, người bệnh nên hạn chế vận động mạnh
Trong quá trình điều trị chấn thương, người bệnh nên hạn chế vận động mạnh
  • Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, thực hiện tái khám theo lịch trình được bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không tự ý dừng hoặc đổi thuốc trong các trường hợp điều trị bằng thuốc.
  • Vật lý trị liệu và các phương pháp phục hồi chức năng có vai trò rất quan trọng, người bệnh nên kiên trì thực hiện đúng theo hướng dẫn.
  • Nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung thực phẩm giàu canxi, khoáng chất và các vitamin có tác dụng tốt cho xương.
  • Trong quá trình điều trị chấn thương xương bánh chè, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá sức, vận động mạnh, làm việc nặng.
  • Chú ý luyện tập các bài thể dục thể thao vừa sức để không làm tái phát các chấn thương. Tuy nhiên cũng không nên ngồi hoặc nằm quá lâu mà không vận động.
  • Thời gian phục hồi các chấn thương xương này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vì vậy người bệnh cần phải kiên trì, không hấp tấp nóng vội.

Trên đây là thông tin chi tiết về cấu trúc, chức năng cũng như các bệnh lý thường gặp ở xương bánh chè. Hy vọng sau bài viết bạn đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích nhằm bảo vệ và chăm sóc xương khớp cho bản thân mình

ArrayArray

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *