Tin tức

Xương Quay: Vị Trí, Cấu Tạo, Chức Năng Và Cách Chăm Sóc

Xương quay là một chiếc xương nằm ở khu vực cẳng tay và đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc tay của con người. Cũng chính vì thế nên loại xương này cũng rất dễ bị chấn thương và gặp các vấn đề sức khỏe liên quan. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về cấu tạo, chức năng của xương này ngay sau đây.

Xương quay là gì?

Xương quay nằm ở chi trên, là một trong 2 xương chính của cẳng tay, kéo dài từ mặt bên của khớp khuỷu đến cạnh ngón cái của cổ tay. Xương này kết nối với xương trụ bởi một lớp dày dây chằng chéo hoặc màng liên kết. Đồng thời, có một dây chằng nhỏ (còn được gọi là dây xiên hoặc dây chằng xiên, có chiều đi ngược lại so với dây chằng chéo) kết nối các đầu gần của xương trụ và xương quay, tạo thành khớp khuỷu tay.

Xương quay nằm ở chi trên
Xương quay nằm ở chi trên

Kích thước và chiều dài của xương quay nhỏ hơn so với xương trụ (ngắn hơn không đáng kể, khoảng 2.5cm). Xương này có dạng hình lăng trụ, hơi cong theo chiều dài, khớp với rãnh xương quay, chỏm con của xương cánh tay và đầu xương trụ. Khi để tay buông thõng bình thường, lòng bàn tay hướng về phía trước thì xương này nằm ở phía ngoài và song song với xương trụ cẳng tay.

Trong 2 xương này thì xương quay có khả năng gãy và chấn thương cao hơn. Theo số liệu thống kê, khoảng 50% các trường hợp gãy xương cánh tay ở trẻ em liên quan đến xương này, chỉ 6% ảnh hưởng đến xương trụ và tỉ lệ gãy cả 2 xương là 44%.

Đầu gần của xương quay tạo nên cạnh bên ngoài của khớp khuỷu tay, đầu xa của xương kết nối với cổ tay ngay trước ngón tay. Chuyển động xoay của xương này cho phép cổ tay và tay chuyển động, đồng thời tạo ra sự ổn định cho khớp ở khuỷu tay. Tuy nhiên, xương cánh tay và xương trụ vẫn là bộ phận chính chịu trách nhiệm cho hầu hết các hoạt động của tay.

Trong một số trường hợp, xương quay có thể kém phát triển, ngắn, hoặc thậm chí là không có. Có một biến thể được nhìn thấy trong giải phẫu là viêm bao hoạt dịch khớp quay trụ trên. Nơi này thường nằm ở ⅓ trên, là vị trí xương và xương trụ được hợp nhất. Tình trạng này hiếm khi xảy ra sau chấn thương, mà có thể hình thành do bẩm sinh.

Vị trí giải phẫu của xương quay

Xương quay (radius) là một trong hai xương chính của cẳng tay, nằm bên cạnh xương trụ (ulna). Vị trí giải phẫu của xương quay như sau:

  • Xương quay nằm ở phía ngoài của cẳng tay khi lòng bàn tay hướng lên trên (tư thế giải phẫu).
  • Nó kéo dài từ khuỷu tay đến cổ tay, nằm song song và bên ngoài so với xương trụ.

Cấu tạo xương quay

Chiều dài xương quay ở người trưởng thành là khoảng 22 – 26.7cm. Trong đó, chiều dài xương trung bình ở phụ nữ thường là khoảng 22.35cm, ở nam giới là khoảng 24.13cm. Cấu tạo xương bao gồm thân xương và 2 đầu xương. Cụ thể như sau:

Vị trí xương quay trên cánh tay
Vị trí xương quay trên cánh tay

Thân xương

Thân xương có hình lăng trụ với kết cấu bởi 3 mặt và 3 bờ. 3 mặt gồm mặt trước, mặt ngoài và mặt sau. 3 bờ gồm bờ trước, bờ sau và bờ gian cốt. Cụ thể:

  • Mặt trước: Là phần lồi củ quay có lỗ nuôi xương ở khoảng giữa và hình dáng rộng dần phía dưới. Ở dưới có phần cơ sấp vuông bám và ở trên có cơ dài gấp của ngón cái bám, ở giữa có lỗ dưỡng cốt.
  • Mặt ngoài: Tròn, với phần giữa gồ ghề để cơ sấp tròn, ở trên mặt ngoài có cơ ngửa ngắn bám.
  • Mặt sau: Có kết cấu hơi lõm, tròn, ở dưới lõm thành rãnh, có cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón cái bám.

Đầu trên xương

Phần đầu trên của xương bao gồm chỏm xương, cổ xương và lồi củ. Trong đó:

  • Chỏm xương: Có dạng hình trụ, mặt lõm và có chiều hơi hướng lên phía trên. Chỏm xương này khớp với phần mỏm xương con của cánh tay và phần khuyết quay của xương trụ. Có chức năng xoay quanh xương trụ để hỗ trợ quá trình sấp ngửa của cẳng tay.
  • Cổ xương quay: Có dạng hình ống với chiều dài trung bình từ 10 – 12mm.
  • Lồi củ quay: Đây là vị trí bám của phần cơ nhị đầu, nhìn từ vị trí bên ngoài sẽ thấy xương quay có phần cong.

Đầu dưới xương

Phần đầu dưới xương quay to hơn đầu trên, có 5 mặt, bè ra 2 bên và dẹt từ trước ra sau. Mặt trên dính vào thân xương, mặt dưới tiếp khớp với xương thuyền và xương nguyệt ở cổ tay. Đặc điểm như sau:

Xem thêm:

Cấu tạo xương và các khớp
Cấu tạo xương và các khớp
  • Mặt trong: Mặt trong hơi lõm, có hình tam khác, được tạo thành từ bờ gian cốt chia đôi, có diện khớp nhỏ ở dưới được gọi là phần khuyết trụ của xương quay.
  • Mặt ngoài: Có hình dáng mở rộng ở phía dưới phần mỏm trâm quay, xuống thấp hơn mỏm trâm trụ 1 cột.
  • Mặt sau: Có kết cấu dạng lồi, có nhiều rãnh giúp cho gân cơ duỗi dễ dàng hơn.
  • Mặt trước: Có kết cấu bề mặt trơn láng, có gờ rõ rệt, có cơ sấp vuông bám.
  • Mặt dưới: Có hình tam giác, có mấu nhỏ nhô xuống dưới gọi là mỏm trâm, ở ngay bên dưới phần da cổ tay.

Cấu trúc các phần như trên giúp tạo thành xương quay dài, cứng và hỗ trợ hoạt động của cánh tay. Tuy nhiên, các phần của đầu xương quay thường có kết cấu xốp và cứng dần theo sự lão hóa của cơ thể.

Các khớp được tạo nên bởi xương quay

Xương quay tạo nên các khớp chính như sau:

  • Khớp quay trụ trên: Được tạo thành từ chỏm xương quay và khuyết quay xương trụ, có khả năng xoay quanh xương trụ và bên trong dây chằng vòng, giúp cẳng tay có thể sấp ngửa được.
  • Khớp cánh tay quay: Được tạo thành từ chỏm xương quay và chỏm con của xương cánh tay.
  • Khớp quay trụ dưới: Là khớp được tạo thành từ đầu dưới xương trụ và khuyết trụ xương quay, giúp xương có thể xoay quanh xương trụ, từ đó cẳng tay có thể sấp ngửa.
  • Khớp quay cổ tay: Khớp có hình elip, được tạo thành từ mặt dưới xương quay và hàng xương cổ tay đầu tiên, khớp với xương thuyền ở phía ngoài và xương nguyệt ở phía trong. Khi nghiêng trụ cổ tay, xương tháp sẽ tiếp xúc không liên tục với xương quay. Cụ thể, xương thuyền, xương nguyệt, xương tháp lồi khớp với mặt lõm của xương quay.
Xương quay được tạo nên bởi nhiều khớp khác nhau
Xương quay được tạo nên bởi nhiều khớp khác nhau

Chức năng của xương quay

Xương quay có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của cánh tay, đảm bảo khớp với các xương xung quanh để thực hiện hoạt động cần thiết. Cụ thể như sau:

  • Hỗ trợ hoạt động sấp ngửa của cánh tay: Tạo nên các hoạt động như duỗi tay, gấp cánh tay, quay, nghiêng tay và cổ tay.
  • Giúp nâng và chuyển động cơ thể: Có thể nhận thấy rõ ràng nhất khi con người ở tư thế như chống đẩy, bò… Giúp giữ vững cho trục dọc của cẳng tay với màng liên cốt và các dây chằng của khớp quay trụ dưới.
  • Hỗ trợ điều khiển các hoạt động của xương: Cụ thể là phần xương cổ tay và ngón tay, giúp vận động khớp khuỷu thông qua khớp cánh tay quay. Vì vậy nếu xương quay bị tổn thương thì có thể khiến phần cổ tay và cẳng tay cũng gặp vấn đề.
  • Hỗ trợ hoạt động như: Cầm nắm, vận động, chịu áp lực khi bê vác, khiêng và vận chuyển đồ bằng tay
  • Chống sự vẹo ngoài của khuỷu: Chỏm xương quay có vai trò như một yếu tố giữ vững thứ phát, giúp chống lại sự vẹo ngoài của khuỷu tay, đồng thời chống bán trật ra sau khi khuỷu gấp. Vai trò của chỏm quay càng trở nên quan trọng trong các trường hợp có tổn thương dây chằng bên trong (MCL).
  • Chịu lực: Phần chỏm quay có tác dụng chịu 60% lực qua khớp khuỷu, khi khuỷu duỗi và gấp thì lực này gia tăng nhiều hơn. Trong một số trường hợp, chỏm quay có thể phải chịu lực lên đến 90% trọng lượng cơ thể.

Một số vấn đề và bệnh lý xương quay thường gặp

Vấn đề thường gặp nhất ở xương quay chính là tình trạng gãy xương, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên, tình trạng gãy xương ở trẻ em và người lớn từ 40 tuổi trở lên và người cao tuổi vẫn phổ biến hơn.

Gãy xương thường xảy ra do chấn thương, dùng tay đỡ thân thể khi bị ngã, tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động hoặc tai nạn khi tập luyện thể thao… Tình trạng này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ khiến người bệnh bị hạn chế vận động phần tay.

Bài đọc thêm: 

  • Khuỷu Tay Là Gì? Cấu Tạo Và Chức Năng Của Bộ Phận Này
Gãy xương là tình trạng thường gặp nhất
Gãy xương là tình trạng thường gặp nhất

Gãy đầu dưới của xương quay là loại phổ biến hơn cả, thường gặp khi bệnh nhân ngã chống tay cổ tay duỗi. Bệnh nhân lớn tuổi hơn thường có nguy cơ gãy chỏm xương quay. Trong khi đó, do bản chất linh hoạt của mô xương chưa trưởng thành mà trẻ em có nhiều khả năng gãy xương không hoàn toàn, còn được gọi là gãy cành tươi. Các bệnh nhân trước tuổi vị thành niên cũng có nguy cơ gặp phải trường hợp làm phá hủy sụn tiếp hợp, có thể dẫn đến những biến dạng lâu dài.

Khi gãy xương, người bệnh sẽ gặp phải cơn đau nghiêm trọng, mất cảm giác tay và các vùng xung quanh bầm tím. Một số triệu chứng khác có thể có hoặc không, bao gồm: Tay biến dạng, nhạy cảm, lạo xạo xương, sưng, mất cơ năng hoặc cảm giác,…

Dù mức độ gãy xương nặng hay nhẹ thì người bệnh cũng không thể tự xử lý, mà cần được điều trị y tế càng sớm càng tốt, để tránh những biến chứng nguy hiểm sau này. Cách điều trị gãy xương thường dùng nhất là bó nẹp phục hồi chức năng kết hợp vật lý trị liệu để tăng cường khả năng phục hồi cho người bệnh. Tùy vào mức độ gãy xương và cơ địa, sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Ở một số trường hợp gãy xương nặng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để khắc phục tổn thương. Sau khi phẫu thuật cần phải thực hiện tập phục hồi chức năng, thông thường sau khi phẫu thuật sẽ cần khoảng 2-3 tháng để xương tay có thể khôi phục và hoạt động như bình thường.

Cách chăm sóc và bảo vệ xương luôn khỏe mạnh

Việc gãy xương quay thường xảy ra do các tai nạn hi hữu, chúng ta không thể ngăn chặn tình trạng gãy xương nhưng có thể chăm sóc và giữ cho xương được khỏe mạnh. Để giúp xương có khả năng chống chịu tốt và ít gặp tổn thương nhất, bạn có thể thực hiện như sau:

Tắm nắng giúp da tổng hợp vitamin D rất tốt cho xương
Tắm nắng giúp da tổng hợp vitamin D rất tốt cho xương
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hãy bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin D – chất dẫn truyền giúp cơ thể hấp thu canxi hiệu quả. Cần lưu ý chỉ bổ sung lượng canxi vừa đủ vì quá nhiều canxi vì có thể dẫn đến tích tụ lắng cặn có hại cho tim, nếu bạn không có nguy cơ bị loãng xương thì việc bổ sung nhiều canxi cũng không quá cần thiết.
  • Nên tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng: Điều này giúp cơ thể tổng hợp vitamin D hiệu quả (có thể tổng hợp 90% nhu cầu vitamin D cần thiết cho cơ thể).
  • Luyện tập thường xuyên: Chăm vận động, luyện tập thể dục thể thao là cách rèn luyện xương hiệu quả nhất. Các bài tập thể dục hữu ích cho việc duy trì độ bền xương nhất là đi bộ, đi bộ đường dài, chạy, khiêu vũ,…
  • Cẩn thận trong sinh hoạt: Cần chú ý để phòng tránh té ngã và các tai nạn khác, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ gãy xương quay.

Trên đây là tổng hợp thông tin về xương quay, đây là loại xương đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cánh tay nói riêng và cơ thể nói chung. Khi xương quay gặp vấn đề  thì người bệnh cũng sẽ bị gián đoạn hoạt động, khiến sinh hoạt trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, hãy chú ý chăm sóc và bảo vệ xương, khi có bất kỳ vấn đề nào nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được điều trị y tế.

ArrayArray

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *