Bệnh học

Bệnh Chàm Eczema: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Xử Lý An Toàn

Bệnh chàm eczema gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể gặp ở cả trẻ nhỏ cũng như người lớn. Nếu như không phát hiện sớm và có hướng điều trị đúng thì bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính và đi theo người bệnh đến suốt đời. Vậy bệnh eczema do đâu gây ra và làm sao để chữa trị dứt điểm?

Bệnh chàm eczema là gì? Phân loại bệnh chàm

Bệnh chàm eczema là bệnh da liễu phổ biến và thường gặp. Thực chất chàm eczema là bệnh viêm da, gây tổn thương da với nhiều hình thái khác nhau.

Trong đó, đặc trưng và phổ biến nhất là da bị nổi những mảng đỏ, gây ngứa ngáy, xuất hiện mụn nước và có vảy khô bong tróc.

Tình trạng viêm da có thể là cấp tính hoặc mạn tính tùy theo từng giai đoạn phát triển và có thể tái phát thường xuyên.

Hình ảnh bệnh chàm eczema ở tay
Hình ảnh bệnh chàm eczema ở tay

Chàm eczema được phân loại thành nhiều thể bệnh khác nhau. Ở mỗi thể bệnh, chàm sẽ có những triệu chứng cùng những phương pháp chữa trị riêng biệt. Theo đó, phân loại bệnh chàm như sau:

  • Bệnh eczema tiếp xúc: Hay còn gọi là bệnh chàm tiếp xúc. Các vùng da bị hở, khi tiếp xúc các chất gây hại sẽ bị dị ứng và viêm nhiễm. Triệu chứng phổ biến là da bị khô, nổi mẩn đỏ, xuất hiện mụn nước. Một số tác nhân gây bệnh điển hình là hóa chất, kim loại, chất bảo quản, phấn hoa…
  • Bệnh chàm thể tạng: Còn gọi là bệnh viêm da cơ địa. Bệnh xuất hiện do yếu tố di truyền, rối loạn nội tiết tố. Bệnh gây viêm da, hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
  • Bệnh chàm đồng tiền: Da hình thành các mảng tổn thương có dạng hình đồng tiền. Giai đoạn đầu, da xuất hiện mụn nước và có tiết dịch, sau đó, da bị bong tróc, đóng vảy.
  • Eczema da đầu: Triệu chứng thường gặp là da bị mẩn đỏ, tiết bã nhờn và bong tróc. Vị trí da dễ bị chàm nhất là ở da đầu và có thể ảnh hưởng đến những vùng xung quanh như lông mày, mắt, cánh mũi, tai…
  • Bệnh chàm vi khuẩn: Chàm vi khuẩn bùng phát do các độc tố của vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, các loại nấm epidermophyton và trichophyton. Độc tố của vi khuẩn tấn công làm kích hoạt dị ứng.  Bệnh thường xuất hiện ở những vùng da bị trầy xước, vết bỏng, mổ. Da sẽ bị chảy dịch, hình thành vảy sừng.

Nguyên nhân gây bệnh chàm eczema

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh chàm, vì thế rất khó để xác định nguyên nhân nào là chính xác.

Nhìn chung hiện nay các nguyên nhân gây bệnh được chia thành hai nhóm chính: Nguyên nhân ngoại sinh và nguyên nhân nội sinh.

Nguyên nhân ngoại sinh

Nguyên nhân ngoại sinh là những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, các yếu tố môi trường. Những tác nhân bên ngoài tác động lên da sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm và dị ứng.

Xà phòng, hóa chất rất dễ gây chàm eczema
Xà phòng, hóa chất rất dễ gây chàm eczema

Một số nguyên nhân thuộc nhóm này là:

  • Các yếu tố môi trường: Bao gồm các tác nhân vật lý, hóa học, sinh học. Ví dụ xà phòng, phấn hoa, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, thực phẩm gây dị ứng, chất tẩy rửa công nghiệp, dịch tiết từ côn trùng, nhựa cao su… Đây là những nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh chàm hoặc cũng có thể là yếu tố tác động làm bệnh bùng phát mạnh.
  • Bệnh ngoài da: Một số bệnh ngoài da như ghẻ, mụn nhọt, nấm, vảy nến… không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh chàm hóa (chàm thứ cấp).

Nguyên nhân nội sinh

Bên cạnh các tác nhân từ bên ngoài, các yếu tố bên trong cơ thể cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm khởi phát bệnh chàm:

  • Di truyền: Bệnh chàm là căn bệnh di truyền. Nếu ông bà, cha mẹ mắc bệnh thì con sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn
  • Rối loạn nội tiết tố: Các nội tiết tố không được ổn định trong cơ thể có tác động đến hệ miễn dịch, kích thích tế bào lympho và cũng là nguyên nhân gây ra bệnh chàm.
  • Rối loạn hệ thống thần kinh: Áp lực, căng thẳng stress kéo dài khiến chức năng của các hệ thống miễn dịch suy giảm. Khi đó bệnh chàm eczema có điều kiện thuận lợi để bùng phát.
  • Rối loạn chức năng nội tạng: Một số nội tạng như gan, dạ dày, tuyến giáp có vấn đề khiến sức đề kháng của cơ thể yếu đi. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm ở cơ thể.

Triệu chứng bệnh chàm eczema điển hình

Bệnh chàm eczema thường xuất hiện theo 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những triệu chứng riêng biệt. Cụ thể như sau:

Giai đoạn hồng ban

  • Đây là giai đoạn phát triển đầu tiên của bệnh với các triệu chứng điển hình như xuất hiện các mảng đỏ ở da, gây ngứa ngáy dữ dội, sưng phù và có cảm giác nổi cộm nhẹ.
  • Các mảng đỏ này có những hạt mụn nước nhỏ li ti phát triển dưới da.
  • Các mảng đỏ không có ranh giới rõ ràng với những vùng da bên cạnh.
Các giai đoạn phát triển của chàm eczema
Các giai đoạn phát triển của chàm eczema

Giai đoạn mụn nước

  • Mụn nước nhỏ trên da xuất hiện ngày một nhiều hơn. Mụn thường có kích thước khoảng 1 đến 2mm và có xu hướng tự vỡ.
  • Các nốt mụn nước nằm sát khít vào nhau tạo thành một mảng da bị tổn thương thấy rõ.
  • Khi các lớp mụn cũ vỡ đi, mảng da sẽ xuất hiện các lớp mụn mới nối tiếp. Quá trình này có thể diễn ra trong vòng vài ngày cho đến vài tuần
  • Khi mụn nước vỡ ra, da sẽ xuất hiện những điểm nhỏ giống như vết kim đâm. Những vết này hình thành một mảng da đỏ ửng, có tiết dịch và khiến da bị nhiễm khuẩn thứ phát, có mủ và vảy bong tróc.

Giai đoạn lên da non

  • Các triệu chứng thường xuất hiện không điển hình và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn
  • Da có xu hướng giảm viêm, giảm xung huyết và tiết dịch
  • Các lớp da sẽ hình thành vảy và có da non
  • Sau khi các lớp vảy bong tróc, lớp da mỏng bắt đầu xuất hiện. Vùng da mỏng này thường nhẵn và có màu sẫm hơn da xung quanh.

Giai đoạn liken hóa

Giai đoạn liken hóa còn được gọi là giai đoạn hằn cổ trâu. Đây là giai đoạn đặc trưng của bệnh chàm mạn tính. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Những vùng da bị tổn thương có màu sẫm hơn theo thời gian
  • Da bị cộm nhiều hơn, tăng thô ráp và có dấu hiệu dày sừng.
  • Các vết hằn nứt xuất hiện ở khu vực da bị bệnh, gây ngứa ngáy dữ dội và rất khó để điều trị.

Bệnh chàm có nguy hiểm không? Có lây không? Có chữa được không?

Chàm eczema là một bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh dễ phát triển thành mãn tính và có thể tái phát thường xuyên. Cùng với đó, bệnh chàm sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như tinh thần của người bệnh.

Bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, chán ăn, mệt mỏi, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Hơn nữa, chàm eczema có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khá tự ti về ngoại hình do da mất thẩm mỹ.

Ngoài ra, cảm giác ngứa kích thích phản xạ gãi. Khi đó, các mụn nước bị vỡ ra, tiết dịch làm lây nhiễm chàm sang những vùng da bình thường. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh chàm eczema sẽ tiến triển nặng, có thể gây ra bội nhiễm, lở loét và để lại rất nhiều sẹo.

Theo các chuyên gia, bệnh chàm eczema không có khả năng lây nhiễm chéo. Tức là không thể lây truyền từ người sang người. Chính vì thế, người bình thường có thể yên tâm sinh hoạt và chăm sóc cho người bệnh.

Chàm eczema có thể được chữa trị khỏi nếu bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên, bệnh chàm eczema có khả năng tái phát lại rất cao.

Khi bệnh tiến triển nặng, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh, người bệnh cần thăm khám ngay để chữa sớm nhất và đúng cách.

Cách chữa bệnh chàm eczema hiệu quả, an toàn

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay chưa có cách đặc trị dứt điểm bệnh chàm. Các phương pháp điều trị chủ yếu giúp làm giảm các triệu chứng bệnh, giảm ngứa ngáy, hạn chế các biến chứng và ngăn ngừa bệnh phát triển nặng hơn

Bị bệnh chàm eczema dùng thuốc gì? – Tây y

Sử dụng thuốc trị bệnh chàm eczema là một trong những cách phổ biến. Mục tiêu điều trị của thuốc Tây chủ yếu là hỗ trợ làm giảm các triệu chứng, kháng viêm, giảm ngứa ngáy và ngăn bệnh diễn biến nghiêm trọng.

Các loại thuốc hoặc kem bôi sẽ đẩy nhanh các triệu chứng khó chịu
Người bệnh có thể điều trị bằng các loại kem bôi để giảm triệu chứng chàm

Một số loại thuốc thường chữa bệnh chàm được sử dụng bao gồm:

  • Dung dịch sát khuẩn: Các loại dung dịch sát khuẩn có công dụng làm dịu da khi da tiết dịch và viêm loét. Một số dung dịch sát khuẩn có thể được chỉ định là nước muối loãng, dung dịch Yarish, thuốc tím pha loãng, Nitrat bạc..
  • Kem bôi chứa kẽm: Kẽm có tác dụng làm giảm ngứa, sát khuẩn và làm dịu da. Do đó, bôi thuốc sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng chảy dịch và làm khô da.
  • Hồ nước: Hồ nước có chứa các hoạt chất có tác dụng ức chế hoạt động và sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, hồ nước sẽ hỗ trợ điều trị khi da bị viêm, nhức, ngứa và giúp làm dịu da.
  • Thuốc mỡ và kem bôi corticoid: Đây là thuốc được chỉ định sử dụng khi vết thương đã khô lại. Thuốc có tác dụng giúp giảm ngứa, kháng viêm, giữ ẩm cho làn da và ngăn ngừa bị bội nhiễm.
  • Thuốc mỡ Goudron: Thuốc được bào chữa từ nhựa cây như nhựa thông. Thuốc có tác dụng giúp giảm cảm giác cộm cứng ở da và khử O2. Tuy nhiên, thuốc mỡ Goudron có mùi khá khó chịu và dễ dính bẩn quần áo.
  • Dung dịch Milian: Bao gồm thành phần xanh methylen và tím gentian. Thuốc có công dụng ức chế các vi khuẩn ngoài da gây bệnh và ngăn ngừa bội nhiễm.

Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc về bôi hoặc uống. Khi phát hiện triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế thăm khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Chữa bệnh chàm eczema bằng Đông y

Theo Đông y, bệnh chàm eczema khởi phát do cơ thể ứ trệ phong nhiệt và thấp nhiệt, gây uất kết khiến da bùng phát triệu chứng.

Khi điều trị căn bệnh này, Đông y sẽ chữa trị tận gốc nguyên căn của bệnh. Các bài thuốc Đông y sẽ có có công dụng thanh nhiệt, khu phòng, thải độc hiệu quả và điều hòa khí huyết bên trong cơ thể.

Tùy thuộc vào thể bệnh mà Đông y có những bài thuốc chữa chàm eczema khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc thường được sử dụng như sau:

Bài thuốc Đông y chữa chàm thể thấp nhiệt:

  • Bài 1: Hoàng bá, phục linh, hoàng cầm, bạch tiễn bì, sinh địa, hoạt thạch, kim ngân hoa, đạm trúc diệp, khổ sâm. Sắc lấy nước và dùng 1 thang mỗi ngày.
  • Bài 2: Bạc hà, mộc thông, khổ sâm, ngưu bàng tử, hoàng liên, hoàng bá, xa tiền, sinh địa, bạch tiễn bì, phục linh và thương truật. Nấu lấy nước mỗi ngày một thang.
Đông y có nhiều bài thuốc điều trị chàm theo từng thể bệnh
Đông y có nhiều bài thuốc điều trị chàm theo từng thể bệnh

Bài thuốc Đông y chữa chàm thể phong nhiệt:

  • Bài 1: Trạch tả, sinh địa, long đởm thảo, xa tiền, chi tử, hoàng cầm, mộc thông, sài hồ, truyền thoái, cam thảo. Uống ngày 1 thang.
  • Bài 2: Bạc hà, thương truật, phục linh, bạch tiễn bì, mộc thông, ngưu bàng tử, hoàng liên, khổ sâm, hoàng bá, xa tiền, sinh địa, tri mẫu và thạch cao. Uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc Đông y chữa chàm mạn tính:

  • Bài 1: Thục địa, sinh địa, kinh giới, đương quy, bạch thược, phòng phong, thương truật, địa phu tử, bạch tiễn bì, khổ sâm, thuyền thoái. Dùng mỗi ngày một thang
  • Bài 2: Hy thiêm thảo, hoàng bá, ké đầu ngựa, bạch tiễn bì, phù bình, phòng phong, thương truật. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc Đông y chữa bệnh eczema thường lành tính, hiệu quả và ít gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc thường phát huy công dụng chậm hơn thuốc Tây y.

Người bệnh cần đến các bác sĩ Đông y chuyên khoa để thăm khám và có bài thuốc chữa bệnh phù hợp.

Mẹo dân gian chữa bệnh chàm tại nhà

Chữa bệnh chàm bằng các dược liệu thiên nhiên tại nhà là cách đơn giản và hiệu quả được nhiều người áp dụng. Một số thảo dược chữa bệnh hiệu quả như sau:

  • Dầu dừa: Có công dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm ngứa ngáy và giúp giữ ẩm làn da. Trước hết, bạn rửa sạch vùng da bị bệnh và lau khô. Thoa một ít dầu dừa lên da và xoa nhẹ khoảng 15 đến 30 phút. Sau đó, rửa lại với nước sạch và lau khô
  • Trà xanh: Có chứa nhiều hoạt chất tốt cho cơ thể và làn da như kẽm, magie, vitamin, flavonoid, giúp làm sạch da và tái tạo lại làn da bị chàm eczema. Nấu một 1,5 lít nước cùng 200g trà xanh, pha thêm một ít muối. Ngâm da bị bệnh vào nước mỗi ngày một lần.
  • Lá khế: Lá khế có chứa nhiều các vitamin và hóa chất giúp khử trùng da, kháng khuẩn và đẩy mạnh quá trình phục hồi da. Lấy một nắm lá khế và rửa sạch với muối rồi đun sôi cùng nước. Lấy nước rửa vùng da bị bệnh khoảng 20 phút. Phần xác thì chà nhẹ lên da. Thực hiện cách này 2 lần một ngày.

Các loại thảo dược thiên nhiên trị bệnh tại nhà thường dễ tìm và dễ áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể hỗ trợ bệnh nhân ở cấp độ nhẹ.

Nếu bệnh chàm eczema đã tiến triển nặng thì cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời. Tránh trường hợp bệnh chuyển biến thành bệnh chàm bội nhiễm nghiêm trọng.

Quang trị liệu

Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) còn gọi là liệu pháp quang học. Phương pháp này sử dụng các tia cực tím làm chậm lại quá trình phát triển của các tế bào.

Liệu pháp ánh sáng thường được chỉ định để điều trị bệnh chàm ở mức độ trung bình, nghiêm trọng hoặc các trường hợp bệnh không đáp ứng được các phương pháp điều trị ban đầu (sử dụng thuốc bôi, thuốc uống…).

Quang trị liệu là biện pháp được áp dụng để chữa chàm mức độ nặng
Quang trị liệu là biện pháp được áp dụng để chữa chàm mức độ nặng

Hiện nay, các bác sĩ đã phát triển hai loại quang trị liệu:

  • Liệu pháp tia cực tím: Tùy vào tình hình sức khỏe, cấp độ bệnh nặng hay nhẹ, các bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng tia sáng có bước sóng khác nhau. UVB và UVA là hai tia thường được sử dụng để điều trị bệnh chàm eczema.
  • Liệu pháp PUVA: Bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thêm thuốc psoralen. Thuốc này giúp làn da nhạy cảm hơn với tia UVA.

Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp quang trị liệu thường không được nhiều người lựa chọn bởi vì tiềm ẩn nhiều rủi ro khi da phải tiếp xúc với các tia cực tím.

Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm eczema hiệu quả

Như đã nói, chàm eczema là căn bệnh có thể tái phát lại nhiều lần. Do đó, người bệnh cần chủ động phòng ngừa bệnh. Một số biện pháp bạn đọc có thể tham khảo là:

  • Vệ sinh và dưỡng ẩm da thường xuyên, tránh để da tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
  • Thay đổi lối sống và sinh hoạt, giảm căng thẳng, lo âu
  • Không nên gãi da vì da sẽ bị tổn thương bong tróc, dễ gây nên vùng lây nhiễm mới.
  • Cẩn trọng khi lựa chọn các loại xà phòng hay các sản phẩm chăm sóc da, trang điểm
  • Sử dụng các loại thuốc bôi, kem dưỡng ẩm đúng cách giúp làm dịu làn da và ngăn ngừa bệnh tái phát
  • Tái khám đúng hẹn và tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Bệnh chàm eczema là một trong những căn bệnh không đe dọa tính mạng nhưng nó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Chính vì thế, khi bệnh vừa khởi phát, bạn nên đến bác sĩ để tìm hiểu triệu chứng cũng như có cách điều trị cho phù hợp.

Câu hỏi thường gặp
Chàm môi khiến da môi khô, nứt nẻ và bong tróc, ngứa ngáy, đặc biệt là vào mùa đông. Vậy bệnh chàm môi có lây không, có nguy hiểm không? Bài viết sau đây chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết thắc mắc này. Mời bạn đọc tham khảo! Chàm môi là […]
Bệnh chàm có lây không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Đây là một căn bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ xuất hiện do hệ miễn dịch còn quá yếu. Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh chàm nhưng họ vẫn […]
Làn da của trẻ nhỏ rất nhạy cảm, thường dễ bị tổn thương và gặp phải các vấn đề da liễu. Trong đó, chàm sữa là một tình trạng về da rất thường gặp ở trẻ. Nhiều cha mẹ thắc mắc, không biết chàm sữa có để lại sẹo không và làm thế nào để […]

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *