Cây Chìa Vôi Là Cây Gì? Công Dụng Và Các Bài Thuốc Chữa Bệnh
Cây chìa vôi là một loại thực vật quen thuộc, mọc hoang nhiều tại các vùng nông thôn. Trong dân gian, đây là vị thuốc nổi tiếng với công dụng chữa đau xương khớp, thoát vị, lở loét, sỏi thận,… được lưu truyền nhiều đời nay. Vậy thực hư công dụng của vị thuốc này như thế nào, cách dùng và cần lưu ý gì khi sử dụng, mời bạn đọc theo dõi trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu những thông tin về cây chìa vôi
Cây chìa vôi (Cissus Modeccoides Planch) là loại thực vật dây leo thuộc họ Nho (Vitaceae). Ngoài tên gọi phổ biến là chìa vôi, cây thuốc còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bạch phấn đằng, bạch liễm.
Đặc điểm nhận biết cây chìa vôi như thế nào?
Cách nhận biết cây chìa vôi khá đơn giản, bạn có thể dựa vào những đặc điểm thực vật đặc trưng như:
- Dây leo dài từ 2 – 4m, có các tua cuốn đơn mọc đối diện với lá. Thân cây nhẵn, tròn không phân nhánh, thân mọng nước, màu xanh lục và bên ngoài có phủ một lớp phấn trắng mỏng.
- Cây có nhiều rễ củ sâu dưới mặt đất, lớp vỏ mỏng màu nâu, bên trong màu trắng.
- Lá chìa vôi là lá đơn, xẻ 3 – 5 thuỳ chân vịt, gốc lá hình tim hoặc mũi giáo. Phiến lá nhẵn, mặt trên màu xanh lục sẫm và mặt dưới nhạt hơn. Mép lá có răng cưa, gân lá hình lông chim với 3 – 5 gân gốc, 5 – 10 đôi gân bên nổi rõ. Lá kèm thường rụng sớm, có đặc điểm phiến hình bầu dục, khi lá non có màu xanh lục và chuyển nâu khi già.
- Hoa lưỡng tính có màu vàng nhạt, nhỏ và mọc thành từng cụm, cánh hoa dễ rụng. Đài hoa chính chén, nhẵn với 4 răng nhỏ, tràng 4 cánh, nhị 4 và bao phấn hình bầu dục màu vàng. Cây thường ra hoa vào tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
- Cây ít khi có quả, nếu có sẽ kết quả vào tháng 5 – tháng 10. Quả có nang tròn, to khoảng 5mm và chuyển sang màu đen khi chín.
Cây chìa vôi có mấy loại trong tự nhiên và loại nào tốt nhất?
Hiện nay, có tới 14 loại cây chìa vôi được phát hiện tại Việt Nam, trong đó đã có 8 loại được nghiên cứu và sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Để phân loại người ta thường dựa vào đặc điểm của lá và danh pháp khoa học của mỗi loại.
- Chìa vôi bốn cạnh – Cissus Quadrangulus L: Nổi tiếng với công dụng chữa rối loạn tiêu hoá.
- Chìa vôi sáu cạnh – Cissus Hexangularis Thorel ex Planch: Thường dùng trong các bài thuốc chữa xương khớp.
- Chìa vôi bò – Cissus Repens Lam: Chữa các bệnh xương khớp, lở loét.
- Chìa vôi mũi giáo – Cissus Hastata: Chữa bệnh xương khớp hiệu quả.
- Chìa vôi Java – Cissus Javanica Don: Giảm đau nhức xương khớp, tiêu thũng.
- Chìa vôi lông – Cissus Assamica: Tiêu viêm, chữa mụn nhọt, giải độc, tiêu thũng.
Bên cạnh những loại cây chìa vôi có tác dụng thì trong tự nhiên còn có một số loại không có giá trị chữa bệnh như loại cây có lá hình tam giác, lá nguyên và mọc so le. Ngoài ra ở nhiều địa phương còn phân chia dựa theo màu sắc của thân cây. Gồm có hai loại là cây chìa vôi tím và cây chìa vôi trắng.
Khu vực phân bổ
Cây chìa vôi mọc ở đâu phổ biến nhất? Dược liệu ưa sống ở nơi có khí hậu nhiệt đới, ẩm ướt và nhiều ánh sáng. Loại cây này thường được phát hiện nhiều ở rừng thưa, ven sông suối tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hoà Bình, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Bình Thuận,…
Trên thế giới, dược liệu cũng mọc nhiều ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar,…
Cách thu hoạch, chế biến và bảo quản dược liệu
Mọi bộ phận từ rễ, thân, củ, lá cây đều có thể sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Mặc dù có thể thu hoạch quanh năm tuy nhiên theo kinh nghiệm dân gian, thời điểm tốt nhất để thu hái là vào mùa thu – đông.
Xem thêm: Hạt Đười Ươi Có Tác Dụng Gì? Cách Dùng Và Địa Chỉ Mua Chất Lượng
Các cách bào chế dược liệu cụ thể như sau:
- Phần củ rửa sạch, ngâm nước cho đến khi mềm, sau đó thái thành các lát mỏng và mang phơi khô để sử dụng dần.
- Các bộ phận khác như rễ, thân và lá cây sau khi thu hoạch đem rửa sạch và chặt thành khúc nhỏ, phơi khô.
Để bảo quản dược liệu được lâu dài, bạn nên cho vào túi kín, để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời.
Khám phá các tác dụng của cây chìa vôi với sức khoẻ
Qua nhiều thế hệ, cây chìa vôi được ghi nhận đem lại nhiều tác dụng cho sức khoẻ, trong cả YHCT và y học hiện đại.
Cây chìa vôi có tác dụng gì theo y học cổ truyền?
Theo YHCT thì mỗi bộ phận của dược liệu có các công dụng khác nhau như:
- Thân dây có vị ngọt, tính mát được sử dụng nhiều trong các bài thuốc thanh nhiệt, giải độc và tán kế. Tiêu biểu như chữa bệnh xương khớp, bệnh về da, trị ung nhọt, giảm sưng hạch, rắn cắn,…
- Lá cây có vị đắng, tính hàn, tác dụng tiêu độc, trị phù thũng, lở loét tay chân.
- Củ có vị đắng, hơi chua, tính bình dùng để trị bệnh viêm nhiễm, phong tê thấp, tụ máu, sát trùng vết thương.
Theo y học hiện đại công dụng của cây chìa vôi là gì?
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong cây chìa vôi có nhiều thành phần có tính chất dược lý.
- Phần ngọn và lá cây chứa 91,3% nước, còn lại là glucid, protid, caroten, vitamin C và chất xơ.
- Phần thân dây có chứa hợp chất phenolic, saponin, acid hữu cơ, acid amin,…
Qua các nghiên cứu hiện đại, mỗi bộ phận của cây chìa vôi đem lại những tác dụng khác nhau cho sức khoẻ, tiêu biểu như:
- Lá và ngọn: Cung cấp dưỡng chất cho xương khớp, giảm đau nhức xương khớp, cải thiện đau lưng, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống,…
- Thân cây: Tác dụng giãn nở mạch máu, hạ huyết áp, được dùng như chất chống viêm giảm đau tự nhiên ở người bệnh xương khớp.
Ngoài ra, cây chìa vôi còn có tác dụng chữa bệnh ngoài da như nổi mẩn đỏ, sưng nề, viêm nang lông, lở ngứa mụn nhọt, tụ máu, ong và rắn cắn, chai mắt cá chân, bong gân, chấn thương, lợi tiểu, chữa sỏi thận nhỏ,…
Hướng dẫn cách sử dụng cây chìa vôi chữa bệnh
Dưới đây là cách dùng dược liệu để chữa bệnh được chuyên trang tổng hợp, bạn đọc có thể tham khảo để sử dụng.
Hướng dẫn dùng cây chìa vôi chữa thoát vị đĩa đệm đơn giản
Bài viết hấp dẫn: Cây Cối Xay Có Công Dụng Gì? Bài Thuốc Chữa Bệnh Và Giá Bán
Dược liệu rất nổi tiếng trong các bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm, giúp giảm đau lan xuống mông do đĩa đệm thoát vị chèn ép dây thần kinh.
- Chuẩn bị 30g thân, rễ và lá chìa vôi, 20g mỗi loại dền gai, cây cỏ ngươi, cỏ xước, lá lốt và tầm gửi.
- Sắc các vị thuốc cùng 1 lít nước, khi sôi thì hạ nhỏ lửa, đun tiếp khoảng 20 phút để dưỡng chất chiết ra.
- Gạn phần nước thuốc và chia 3 lần sử dụng hết trong ngày.
Thuốc có vị đắng nhẹ hơi khó uống, cần kiên trì sử dụng trong khoảng 1 tháng để cảm nhận hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, nên kết hợp thêm bài thuốc đắp bằng cách sao nóng cây thuốc với muối hạt và bọc khăn, chườm vào vị trí xương khớp bị đau nhức.
Cách ngâm rượu cây chìa vôi cải thiện thoái hoá cột sống
Khi kết hợp cây chìa vôi cùng với nhiều dược liệu khác có thể giảm cơn đau do bệnh thoái hoá gây ra.
- Bài thuốc gồm có 50g chìa vôi, 40g ngưu tất, 20g mỗi loại đương quy và cẩu tích, 10gr xuyên khung.
- Cho các nguyên liệu sau khi làm sạch vào bình thuỷ tinh, thêm 1 lít rượu trắng vào ngâm sao cho cây thuốc ngập trong rượu.
- Sau khoảng 1 tuần ngâm có thể sử dụng, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ.
Với bệnh nhân không được uống rượu thì nên chuyển sang dùng bài thuốc đắp hoặc chườm nóng tại chỗ.
Chữa tụ máu, sưng nề do chấn thương và bong gân
Khi bị bong gân hoặc chấn thương, bạn có thể tham khảo cách làm dưới đây giúp tan máu bầm, giảm sưng đau hiệu quả.
- Chuẩn bị lá chìa vôi và lá thầu dầu tía theo tỉ lệ 1:1, sau đó giã nát và trộn cùng với giấm hoặc rượu.
- Đem hỗn hợp đi sao nóng, đắp vào chỗ chấn thương, hàng ngày thay 1 – 2 lần thuốc cho đến khi khỏi hẳn.
Bài thuốc từ cây chìa vôi chữa đau xương khớp hiệu quả
Có thể bạn quan tâm: Cây Chè Dung: Đặc Điểm, Công Dụng, Giá Bán Và Địa Chỉ Mua Uy Tín
Để giảm đau nhức xương khớp, đau lưng, sưng đau khớp bạn có thể tham khảo bài thuốc dưới đây:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 20g cây chìa vôi, 15g cây lá lốt nhổ cả rễ và 15g dây đau xương. Sau khi rửa sạch đem sao vàng, hạ thổ và sắc cùng 500ml nước cho đến khi còn một nửa thì chia 2 lần uống sau ăn và sử dụng hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Sắc 1,5 lít nước cùng với 40g chìa vôi, 20g cây tầm gửi, 20g lá lốt, 20g dền gai, 20g cỏ xước. Chia nước thuốc thành 3 phần uống sau khi ăn 30 phút.
Cách dùng cây chìa vôi chữa lở loét da, ung nhọt
Trong phần thân, rễ và lá cây chìa vôi có chất chống viêm, kháng khuẩn đem lại hiệu quả chữa viêm da, nổi mẩn đỏ, mề đay.
- Chuẩn bị bài thuốc gồm 20g chìa vôi, 20g thổ phục linh, 10g kim ngân hoa, 10g bồ công anh.
- Có thể dùng bài thuốc trên đem sắc với 1 lít nước cho đến khi còn một nửa thì chia uống ngày 2 lần. Hoặc giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương ngoài da cho đến khi khỏi hẳn.
Cách chữa viêm nang lông
Với người bị viêm nang lông ở chân, tay hoặc lưng có thể sử dụng mẹo dân gian dưới đây:
- Dùng 10g lá chìa vôi tươi rửa sạch và giã nhuyễn.
- Tách 1 lòng trắng trứng gà thêm vào lá thuốc và trộn đều cho đến khi được hỗn hợp đặc lại.
- Dùng thìa hoặc cọ nhỏ quét hỗn hợp thuốc, thoa đều lên vùng da bị viêm nang lông. Sau khoảng 30 phút hỗn hợp khô lại thì rửa sạch bằng nước ấm.
Thực hiện đều đặn hàng ngày cho đến khi tình trạng viêm nang lông được cải thiện.
Hỗ trợ giảm sỏi niệu quản và sỏi thận
Nhiều người thắc mắc cây chìa vôi trị bệnh gì hiệu quả? Với người bị sỏi thận, sỏi niệu quản có kích thước nhỏ có thể dùng bài thuốc dưới đây:
- Bài thuốc gồm có 50g cỏ bợ, 30g mỗi loại kim tiền thảo, rễ cây dứa dại, cỏ hàn the; 20g ngải cứu, 16g chìa vôi, 12g chỉ xác. Nếu sỏi ở cao thì thêm 12g cỏ xước, nếu có triệu chứng tiểu ra máu thì thêm 16g cỏ nhọ nồi.
- Sắc thuốc cùng 1 lít nước trong 15 phút với lửa nhỏ, sau đó chia uống nhiều lần trong ngày khi còn ấm.
Cách chữa bệnh lở miệng từ dược liệu
Không nên bỏ lỡ: Cây Chè Dây: Đặc Điểm, Công Dụng, Cách Dùng, Giá Bán & Địa Chỉ Mua
Nhờ đặc tính kháng khuẩn, sát khuẩn và tính mát mà dược liệu này thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa lở miệng.
- Sao vàng và tán thành bột mịn các dược liệu gồm 10g dây chìa vôi khô, 10g hoàng bá khô và 5g kinh phấn.
- Hàng ngày chấm bột thuốc mịn vào vết thương lở miệng và ngậm thuốc trong miệng khoảng 5 phút rồi súc miệng bằng nước sạch.
Cách chữa rắn cắn nên biết
Hoạt chất Saponin trong cây chìa vôi được chứng minh có hiệu quả chữa vết thương do rắn cắn bằng cách ngăn chặn quá trình phân tán nọc độc. Do đó sau khi sơ cứu vết thương rắn cắn kịp thời có thể cân nhắc dùng bài thuốc dưới đây.
- Hái một nắm lá chìa vôi tươi đem rửa sạch sau đó giã nát với một ít muối hạt.
- Đắp phần bã lên vết thương rắn cắn và chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.
Những thông tin cảnh báo khi sử dụng cây chìa vôi
Theo các nghiên cứu, thành phần thảo dược trong cây chìa vôi không chứa độc tính. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi sử dụng các bài thuốc, bạn cần chú ý những điều dưới đây:
- Cây chìa vôi có uống được không và ai không nên uống? Dược liệu có thể sắc nước uống được. Tuy nhiên phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú, trẻ em dưới 3 tuổi không sử dụng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, tuyệt đối không lạm dụng hay tự ý điều trị. Không sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị cùng một lúc. Nếu cần phải uống thuốc tây thì phải sử dụng cách khi uống dược liệu 30 phút.
- Tuỳ thuộc cơ địa mỗi người mà có hiệu quả khác nhau, nên kiên trì sử dụng trong một thời gian để đánh giá.
- Trong quá trình sử dụng không được sử dụng chất kích thích, tránh ăn rau muống, đậu xanh, măng chua, cà pháo, hải sản,…
Mua cây chìa vôi ở đâu và giá bao nhiêu?
Cây chìa vôi mọc hoang tại nhiều tỉnh thành ở nước ta, tuy nhiên còn rải rác. Để sử dụng làm thuốc chữa bệnh, người dân thường mua dược liệu tại các cửa hàng đông y, đơn vị kinh doanh dược liệu. Hoặc cũng có thể mua trực tuyến trên các kênh thương mại điện tử.
Trên thị trường hiện nay, dược liệu chìa vôi khô đang được cung cấp với giá dao động từ 100.000 – 150.000 VNĐ/ kg. Khi chọn mua, bạn nên chú ý chọn loại dược liệu có màu sắc tươi sáng, không bị xỉn màu do phơi sấy quá kỹ. Và tuyệt đối không mua và sử dụng dược liệu bị mốc, vụn, ẩm.
Tìm hiểu thêm: Cây Bình Vôi Có Tác Dụng Gì? Các Bài Thuốc Chữa Bệnh Và Giá Bán
Đặc biệt, do dược liệu đã được chặt nhỏ, phơi khô nên rất dễ bị trà trộn các loại cây cỏ khác. Do đó để đảm bảo, tốt nhất bạn nên chọn mua dược liệu tại các cơ sở uy tín khi sử dụng thuốc để chữa bệnh.
Trên đây là những thông tin về cây chìa vôi cũng như các cách dùng để làm thuốc hiệu quả nhất. Trong quá trình sử dụng, tốt nhất bạn đọc nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.