Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Theo các nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới WHO, bệnh thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Đây là một bệnh lý xương khớp nghiêm trọng, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, tê bì ở vùng xương cột sống, làm giảm khả năng đi lại và di chuyển. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến tàn phế. Vậy thoát vị đĩa đệm là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh như thế nào? Cách điều trị ra sao? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có được câu trả lời cụ thể nhất.
Bệnh thoát vị đĩa đệm là gì? Các vị trí thường gặp
Trước tiên, có thể hiểu đĩa đệm là phần giữa đốt sống, có lớp vỏ bao quanh và phần nhân bên trong là lớp chất nhầy. Đĩa đệm điều chỉnh khả năng vận động của cơ thể, giúp các đốt sống dịch chuyển được dẻo dai và linh hoạt hơn.
Bệnh thoát vị đĩa đệm tiếng anh được gọi là Herniated Disc, trong đó, từ Disc (Discale) có nghĩa là đĩa đệm. Có thể hiểu tình trạng này là do lượng nhân nhầy ở giữa bị thoát ra do nhiều nguyên nhân tác động.
Hậu quả là đĩa đệm bị phồng, lồi và gây chèn ép lên ống sống và các dây thần kinh của người bệnh, gây đau nhức.
Bệnh này có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí trong cột sống tùy thuộc các mức độ của bệnh. Tuy nhiên, hai vị trí thường gặp nhất của tình trạng này như sau:
- Thoát vị đĩa đệm ở đốt sống lưng (L4, L5)
Trên cả khung cột sống, hai đốt sống L4, L5 là hai vị trí chịu nhiều tác động nhất (do phần thân trên dồn xuống). Nếu người bệnh bị thoát vị ở vị trí này, dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng khá nhiều, gây ra nhiều bệnh lý liên quan.
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Đây là vị trí đảm bảo chức năng nối liền tủy và thành não của cơ thể. Đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền các xung động thần kinh từ não từ khắp cơ thể.
Mắc bệnh ở vị trí này nguy hiểm hơn nhiều so với những vùng khác trên cơ thể do tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý không thể phục hồi
Nguyên nhân dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm nhưng hầu hết đều liên quan đến lối sống và chế độ sinh hoạt. Cụ thể như sau:
- Yếu tố tuổi tác: Thực tế, tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi. Do khi tuổi cao, lượng chất nhầy giảm sút nhiều và đĩa đệm mất dần lượng nước, bao xơ bên ngoài dễ rách và gây ra tình trạng thoát vị
- Do cơ địa người bệnh: Một số người mắc các bệnh lý về cột sống bẩm sinh (ví dụ như gù vẹo bẩm sinh; gai cột sống;…) có nguy cơ mắc bệnh lý về thoát vị đĩa đệm cao hơn người bình thường
- Vận động quá sức: Thường xuyên vận động nặng, bê vác nhiều đồ, luyện tập thể thao quá sức. Bệnh có thể không phát tác ngay nhưng tình trạng này kéo dài gây yếu cột sống và khiến đĩa đệm bị tổn thương
- Do chấn thương: Bệnh lý có thể là biến chứng sau khi người bệnh gặp chấn thương (do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc trong quá trình vui chơi, thi đấu thể thao)
- Do thói quen nằm ngủ: Khi nằm gối đầu quá cao, nằm nghiêng, nằm lệch 1 bên thường xuyên,…cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cột sống và gây các biểu hiện thoái hóa
- Thói quen lười vận động: Cụ thể ở đây là đối tượng nhân viên văn phòng, người ngồi nhiều, ít hoạt động,…tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh
- Do tác động của các bệnh lý khác: Thoát vị đĩa đệm có thể là một triệu chứng gây ra bởi đau vai gáy, vôi hóa đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống cổ,…Các bệnh lý này kéo dài khiến đĩa đệm cũng bị ảnh hưởng và mất dần chức năng gây thoát vị
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân chính trên, bệnh này còn có thể do thói quen sinh hoạt (ăn uống, sử dụng chất kích thích); do tác động của yếu tố di truyền; yếu tố cân nặng…
Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm theo giai đoạn
Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể gặp ở mọi đối tượng, các biểu hiện của bệnh diễn tiến nghiêm trọng dần theo từng giai đoạn bệnh.
Có thể phân chia bệnh lý này thành 4 giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng như sau:
Giai đoạn đầu – Phình đĩa đệm
Ở giai đoạn này, các biểu hiện mới ở mức độ nhẹ nên người bệnh cũng khó nhận biết hơn. Lúc này, bao xơ vẫn còn bình thường nhưng nhân nhầy bên trong bắt đầu có tình trạng biến dạng.
- Người bệnh có các biểu hiện rối loạn cảm giác nhẹ, nhìn chung chưa nhận biết được
- Lực tay, chân giảm nhẹ
- Xuất hiện các cơn đau nhẹ, không rõ ràng nên thường nhầm lẫn với tình trạng nhức mỏi thông thường
- Tình trạng đau nhức, giảm sức lực thể hiện rõ nhất khi bê vác đồ nặng
Giai đoạn hai – Lồi đĩa đệm
Ở giai đoạn này, bao xơ chưa rách hẳn nhưng có dấu hiệu suy yếu và bắt đầu rách. Tuy lượng nhân nhầy vẫn ở trong bao nhưng chưa thoát ra ngoài, hình thành ổ lồi tại vị trí nhất định
- Người bệnh bắt đầu xuất hiện những cơn đau dữ dội, đặc biệt khi đứng, nằm một tư thế quá lâu
- Cơn đau tăng lên khi vận động mạnh và thuyên giảm khi nghỉ ngơi
- Tê ngứa chân tay, cơn đau lan dần xuống bắp chân, bắp tay, mông, đùi
- Nếu bệnh gây ra ở nam giới có thể gây ra tình trạng rối loạn cương dương
Giai đoạn ba – Thoát vị đĩa đệm
Bước vào giai đoạn này, bao xơ đã bị rách hoàn toàn theo chiều dài của vòng xơ. Nhân nhầy và một số tổ chức khác thoát ra ngoài nhưng vẫn theo một khối nhất định.
Người bệnh cảm nhận rõ ràng hơn các biểu hiện bệnh, cụ thể như:
- Người bệnh bị đau dữ dội từ các đốt sống cổ, lan xuống bả vai, sau đầu thậm chí cảm giác đau nhức ở hốc mắt
- Cơn tê ngứa tăng, có thể lan rộng xuống cẳng chân, bàn chân và cả ngón chân
- Đi đứng không vững, dáng đi xiêu vẹo
- Khi gắng sức vận động, vùng đùi và bắp chân run có thể cảm nhận rõ
- Một số dấu hiệu khác: Rối loạn tiêu hóa (táo bón); bí tiểu hoặc khó thở (đặc biệt khi vận động
Giai đoạn bốn – Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời
Giai đoạn này tương đối nguy hiểm khi lượng nhân nhầy thoát ra ngoài ngày càng nhiều và có dấu hiệu tách dần ra khỏi đĩa đệm. Các biểu hiện ở giai đoạn này gần như khiến người bệnh đau đớn dữ dội, cụ thể như:
- Teo chân, có thể nhìn rõ kích thước bắp chân giảm so với thời điểm trước đó
- Người bệnh mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, đại tiện
- Người bệnh không thể đứng im, ngồi im quá lâu, cơn đau dữ dội
Bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Bệnh thoát vị đĩa đệm gây không ít ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người mắc, kể cả khi mới khởi phát ở những giai đoạn đầu. Việc điều trị bệnh lý này cũng cần thời gian dài và một phác đồ phù hợp mới nhanh chóng cải thiện triệu chứng.
Không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng này tiềm ẩn một số nguy cơ biến chứng, cụ thể như sau:
- Teo chân tay: Do dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, máu và chất dinh dưỡng không đủ cung cấp cho các cơ khiến tay chân bị teo. Tình trạng này có thể nhận thấy rất rõ ràng và thường chỉ xảy ra ở một bên tay/chân
- Hội chứng chèn ép tủy: Bệnh thoát vị lâu ngày ảnh hưởng đến tủy sống và gây ra hiện tượng chèn ép. Người bệnh gặp các vấn đề với lưng, cổ hoặc thắt lưng, nặng hơn còn mất hoàn toàn cảm giác ở chân, đi khập khiễng
- Rối loạn cảm giác: Bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh nên có thể ảnh hưởng đến một số vùng da nhất định trên cơ thể. Người bệnh mất khả năng phân biệt nóng lạnh hay các phản xạ tự nhiên ngoài da
- Rối loạn cơ thắt: Cơ thắt ảnh hưởng đến việc bài tiết của người bệnh. Ở những người bị thoát vị lâu ngày gần như mất kiểm soát tình trạng co giãn của cơ thắt. Do đó, người bệnh có thể tiểu ra quần mà không điều chỉnh được, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống
- Hội chứng đuôi ngựa: Xảy ra do sự chèn ép vào dây thần kinh quá đà. Bệnh lý này cần được xử lý ngay và biện pháp duy nhất là phẫu thuật. Nếu không người bệnh sẽ bị tàn phế suốt đời
- Bại liệt toàn thân: Bệnh lý thoát vị ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống – bộ phận liên quan đến khả năng vận động của người bệnh. Do đó, tình huống xấu nhất là người bệnh không thể tự vận động, mọi hoạt động sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến người khác
Có thể thấy, các biến chứng có thể có của tình trạng này đa phần ảnh hưởng đến khả năng vận động của người mắc. Bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm và tiến hành điều trị đúng cách
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm như thế nào chính xác?
Bệnh thoát vị đĩa đệm trải qua 4 giai đoạn mắc, mỗi giai đoạn tương ứng với các đặc điểm khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau.
Với tình trạng này, người bệnh không thể tự nhận biết và chẩn đoán mức độ bệnh mà bắt buộc phải đi khám.
Bác sĩ thường sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm để đánh giá khả năng vận động, cụ thể như:
- Kiểm tra vận động: Thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm các “bài thi” về yếu tố thần kinh vận động (hoạt động của cơ bắp, sự phản xạ nhanh chậm với tác nhân bên ngoài, sức bền,…)
- Chẩn đoán bằng hình ảnh: Để chẩn đoán chính xác giai đoạn của bệnh và mức độ thoát vị đĩa đệm, người bệnh sẽ phải thực hiện các chẩn đoán hình ảnh. Phổ biến nhất chụp cộng hưởng từ (MRI); X-quang; chụp CT; Myelogram
Người bệnh cũng nên lưu ý đi khám ở những cơ sở chuyên khoa để đảm bảo tính chính xác và độ an toàn trong điều trị
Các phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm
Tùy mức độ bệnh sẽ có phương pháp điều trị thích hợp nhưng nên điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh thoát vị đĩa đệm không phải bệnh nan y nhưng nếu phát hiện ở những giai đoạn sau, việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Điều trị càng sớm, khả năng khỏi dứt điểm càng cao. Phát hiện muộn, điều trị sai cách có thể khiến bệnh kéo dài dai dẳng và không thể điều trị dứt điểm
Thoát vị đĩa đệm uống thuốc gì?
Uống thuốc Tây y là một cách chữa trị thường thấy nhằm cải thiện triệu chứng, kiểm soát sự tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên, bệnh lý này thường phải dùng thuốc một thời gian dài với sự kiên trì trong quá trình điều trị. Thuốc Tây y tiềm ẩn nguy cơ gây tác dụng phụ nếu dùng lâu dài.
Do đó, người bệnh nên kiểm soát chặt chẽ quá trình dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
- Thuốc giảm đau: Giúp người bệnh kiểm soát những cơn đau buốt ở lưng, chân, tay,…Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng nhóm thuốc này cho người có bệnh lý về gan, thận. Các nhóm thuốc thường kê cho người bệnh sử dụng như Diclofenac; Paracetamol; Meloxicam;…
- Thuốc chống viêm: Giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn, kết hợp với các loại thuốc điều trị khác để trị bệnh dứt điểm. Có thể kê ở dạng thuốc bôi, thuốc uống hoặc thuốc tiêm tùy mức độ bệnh
- Thuốc giãn cơ: Giúp người bệnh giải phóng được các cơ bị chèn ép, hoạt động nhẹ nhàng và linh hoạt hơn
- Vitamin thần kinh: Việc bổ sung vitamin là điều cần thiết cho quá trình điều trị bệnh. Các vitamin nhóm B (B1; B6; B12) rất tốt cho sự sản sinh máu, bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể và cải thiện khả năng vận động của cơ thể.
- Thuốc tiêm giảm đau ngoài màng cứng: Trong trường hợp người bệnh mắc chứng thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng, các biểu hiện dữ dội, không kiểm soát được bằng các loại thuốc trên. Bác sĩ sẽ phải chỉ định dùng thuốc tiêm trực tiếp ngoài màng cứng. Phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần thực hiện bởi người có chuyên môn
Mổ thoát vị đĩa đệm – phương pháp điều trị tận gốc?
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, mổ thoát vị đĩa đệm là phương pháp chữa trị triệt để hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định và chi phí cũng cao hơn nhiều.
Do đó, bệnh nhân cũng cần suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Các phương pháp mổ thường ứng dụng trong bệnh lý này như sau:
- Mổ nội soi: Tiến hành mổ và loại bỏ phần nhân nhầy đã bị thoát vị ra khỏi cột sống
- Mổ hở: Giải phóng các dây thần kinh đang bị chèn ép bởi nhân nhầy thoát vị (tuy nhiên cần nhiều công cụ hỗ trợ và trình độ khéo léo hơn ở người thực hiện)
Không phải người bệnh thoát vị đĩa đệm nào cũng phải mổ. Sau quá trình khám, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng bệnh nhân và chỉ định mổ nếu thuộc đối tượng:
- Người bệnh có tình trạng thoát vị di trú
- Không đáp ứng với các phương pháp nội khoa khác (>2 tháng)
- Mổ cấp cứu khi cần thiết
- Dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng
- Người bệnh gặp biểu hiện của hội chứng đuôi ngựa
Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm bằng mẹo dân gian
Nếu người bệnh may mắn phát hiện bệnh thoát vị đĩa đệm ở những giai đoạn đầu hoàn toàn có thể điều trị bằng các mẹo dân gian. Các bài thuốc này tập trung chủ yếu vào việc cải thiện triệu chứng với nguồn nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm.
Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc sau:
- Đắp ngải cứu: Bài thuốc khá hiệu quả cho các tình trạng thoát vị. Người bệnh trộn ngải cứu với 1 nắm muối, rang qua cho nóng. Bọc phần ngải cứu vào khăn vải, đắp lên vùng lưng bị đau đến khi hỗn hợp nguội. Tiếp tục làm nóng và đắp thêm một lượt nữa để việc điều trị đạt hiệu quả
- Bài thuốc với lá lốt: Thành phần của lá lốt chứa nhiều chất kháng viêm, rất tốt cho các bệnh lý về xương khớp. Người bệnh có thể kết hợp lá lốt với món ăn hoặc đơn giản hơn là dùng để sắc thuốc uống. Chuẩn bị lá lốt, cây đinh lăng, cây xấu hổ theo tỉ lệ 1:1:1 và sắc lấy nước uống hàng ngày
Như đã nói ở trên, các phương pháp này chỉ thích hợp với chứng bệnh nhẹ. Do đó, người bệnh không lạm dụng nếu tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng.
Phương pháp Đông y trong điều trị thoát vị đĩa đệm
Theo quan niệm của Đông y, bệnh thoát vị đĩa đệm thuộc về chứng yêu cước thống. Căn nguyên của bệnh là do suy yếu can thận, phong hàn xâm nhập và gây bệnh.
Các bài thuốc Đông y tập trung vào thanh nhiệt giải độc, lưu thông khí huyết, bổ can, kiện tỳ,..
Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc rất tốt cho bệnh lý về xương khớp như sau:
- Bài thuốc số 1: Đương quy, bạch thược, bạch linh, xuyên khung, quế chi và một số thành phần khác với liều lượng thích hợp. Sắc thuốc uống hàng ngày và kiên trì trong nhiều tháng sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao nhất
- Bài thuốc số 2: Bồ công anh, đơn đỏ, kim ngân, tơ hồng xanh, ké đầu ngựa, nhân trần. Bài thuốc này tập trung vào cơ chế giải độc (đưa các yếu tố phong hàn ra ngoài), giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và trị bệnh hiệu quả
Phương pháp Đông y sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu người bệnh dùng kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt thường xuyên. Tuy nhiên, Đông y cần thời gian dài trong điều trị và hiệu quả còn tùy thuộc người sử dụng.
Không lạm dụng khi phương pháp điều trị không có tác dụng hoặc tình trạng bệnh diễn tiến nặng lên.
Bệnh thoát vị đĩa đệm nên ăn gì, kiêng gì?
Với bệnh thoát vị đĩa đệm, bên cạnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của tiến trình chữa trị.
Bổ sung nguồn thực phẩm giàu canxi, tốt cho xương khớp là cách tốt nhất. Trong đó, nguồn thực phẩm dễ tiêu thụ và giàu canxi phải kể đến sữa
Vấn đề ở đây: Bệnh thoát vị đĩa đệm uống sữa gì? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh nên bổ sung các loại sữa sau:
- Sữa đậu nành: Hàm lượng canxi không cao nhưng sữa đậu nành rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh thoát vị lan rộng và phát triển
- Sữa công thức: Nên lựa chọn các loại sữa công thức có hàm lượng canxi cao giúp hỗ trợ điều trị bệnh
Ngoài ra, để các tình trạng bệnh không diễn tiến nghiêm trọng hơn, người bệnh cũng cần lưu ý kiêng các nhóm thực phẩm sau:
- Các loại thịt đỏ: Có nguy cơ làm giảm lượng canxi có trong xương, khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn
- Sữa nguyên kem: Nhóm thực phẩm gây tăng cân nhanh và không tốt cho các bệnh lý về xương khớp
- Nhóm thực phẩm chứa purin, fructose: Kích thích phản ứng viêm ở khớp, khiến bệnh diễn tiến nghiêm trọng (cụ thể như cà muối, nội tạng động vật)
- Rượu bia, chất kích thích: Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và các chất kích thích khác trong quá trình chữa trị
Lưu ý và cách phòng ngừa khi điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm
Bệnh thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng chủ yếu đến khả năng vận động của cơ thể. Do đó, cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng này là điều chỉnh thói quen hoạt động và chế độ sinh hoạt mỗi ngày
- Nằm gối cao vừa phải, không kê cao quá
- Đi giày vừa chân, không đi giày cao hoặc quá chật
- Không ngồi quá lâu. Nếu tính chất công việc bắt buộc, thi thoảng nên đứng lên vận động nhẹ nhàng
- Hạn chế bê vác vật nặng, nhảy cao hoặc hoạt động liên tục phần thắt lưng
- Khi ngồi giữ tư thế đúng, lựa chọn ghế và bàn có độ cao phù hợp
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cung cấp thêm nguồn canxi cần thiết cho cơ thể
- Bị thoát vị đĩa đệm nên tập gì không? Người bệnh nên lựa chọn một số bộ môn nhẹ nhàng như yoga, rất tốt cho sức khỏe xương khớp
- Đi khám ngay nếu thường xuyên có các biểu hiện đau lưng, đau nhức xương khớp, các cơn tê ngứa, mất sức lực ở chân tay
- Dùng vitamin cho xương khớp (đặc biệt ở người già)
Bệnh thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Nhận biết từ sớm sẽ giúp việc điều trị nhanh chóng và dứt điểm hoàn toàn. Người bệnh cũng cần chủ động điều chỉnh chế độ sinh hoạt để ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!