Viêm Mũi Dị Ứng Thời Tiết Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Chữa
Viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh lý khá nhiều người gặp phải, đặc biệt vào thời điểm mùa lạnh, hanh khô hoặc giao mùa. Bệnh có thể khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu, bất tiện trong cuộc sống. Để biết nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa cũng như cách phòng tránh bệnh, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Giải đáp bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết là gì?
Viêm mũi dị ứng thời tiết còn được gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa, có tính chất kéo dài qua nhiều năm. Bệnh thường xuất hiện khi khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng trong thời tiết như mùa ẩm ướt nhiều nấm mốc phát triển, mùa hanh khô, gió lạnh hoặc mùa sâu bướm sinh sôi.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành. Theo thống kê, có đến 20% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng thời tiết. Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng về hô hấp khác như viêm xoang, viêm họng, viêm amidan,…
Nguyên nhân nào gây ra viêm mũi dị ứng thời tiết?
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng viêm mũi dị ứng theo mùa, trong đó, có những lý do phổ biến khiến người bệnh mắc viêm mũi dị ứng theo mùa như sau:
- Cơ địa dị ứng: Khi người bệnh có cơ địa dễ dị ứng, họ sẽ rất dễ mắc các chứng bệnh như viêm mũi dị ứng, nổi mề đay hoặc hen phế quản.
- Di truyền: Đôi khi nguyên nhân viêm mũi dị ứng được cho là do yếu tố di truyền, khi trong nhà có người thân cận huyết mắc viêm mũi dị ứng thời tiết.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Sức đề kháng yếu kém sẽ khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh và dẫn đến viêm mũi dị ứng thời tiết.
- Yếu tố thời tiết: Trong giai đoạn chuyển mùa, khô hanh hoặc quá ẩm ướt, niêm mạc mũi dễ bị kích ứng trước các tác nhân có trong không khí và trở nên sưng viêm.
Để điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết hiệu quả, kịp thời, bạn cần theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm triệu chứng bệnh, từ đó có biện pháp khắc phục nhanh chóng.
Dấu hiệu khi bị viêm mũi dị ứng thời tiết
Khi bị viêm mũi dị ứng thời tiết, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng phổ biến ở mũi và các cơ quan liên quan như sau:
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, giảm khứu giác.
- Ngứa mắt, đỏ mắt, có cảm giác sưng, cộm ở mắt, mắt thâm quầng.
- Đau họng, khàn giọng, có cảm giác ngứa ở cổ họng.
- Thở khó khăn, người bệnh khó thở bằng mũi, phải thở bằng miệng.
- Mệt mỏi vào ban ngày, khó ngủ vào ban đêm.
Phương thức chẩn đoán bệnh
Ngay khi có triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và có phương hướng điều trị chính xác nhất. Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua các phương pháp sau:
Chẩn đoán lâm sàng
Các bác sĩ có thể chẩn bệnh dựa trên những triệu chứng đặc trưng của người bệnh cũng như khả năng đáp ứng với thuốc kháng histamin hoặc corticoid xịt mũi. Người bệnh cần nhớ lại những gì bạn đã gặp phải hoặc tiếp xúc trước khi các triệu chứng viêm mũi xuất hiện (như phấn hoa, lông động vật hoặc thời tiết lạnh). Bên cạnh đó, bạn cũng cần thông báo lại với bác sĩ thời điểm mình thường mắc bệnh cũng như xem xét môi trường xung quanh mình để tìm ra tác nhân gây dị ứng chính xác.
Thực hiện các xét nghiệm
Bên cạnh những chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm các xét nghiệm để có kết quả thăm khám chính xác hơn, gồm có:
- Xét nghiệm da: Giúp xác định phản ứng của cơ thể với những chất dễ gâ dị ứng như phấn hoa, lông động vật hay hóa chất, không khí lạnh,…
- Xét nghiệm máu: Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đánh giá IgE huyết thanh đặc hiệu dị ứng.
Tổng hợp các cách chữa viêm mũi dị ứng giao mùa
Nếu không được khắc phục và điều trị kịp thời, viêm mũi dị ứng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, khiến người bệnh mất ngủ, thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, suy giảm chất lượng cuộc sống. Bạn có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau để chấm dứt bệnh lý này.
Uống thuốc Tây Y trị viêm mũi dị ứng thời tiết
Theo các bác sĩ, có 3 loại thuốc trị viêm mũi dị ứng thời tiết thường được kê đơn phổ biến và mang lại hiệu quả cao, đó là thuốc kháng histamin H1, corticoid xịt mũi, thuốc đối kháng thụ thể leukotriene, cụ thể như sau:
- Corticoid xịt mũi: Đây được đánh giá là loại thuốc xịt cho tác dụng nhanh, hiệu quả với các triệu chứng viêm mũi dị ứng, giúp mũi trở nên thông thoáng, giảm sưng nề, từ đó người bệnh có thể nhanh chóng cảm thấy dễ chịu, mũi thông thoáng, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
- Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene: Thuốc giúp làm giảm phản ứng của cơ thể trước tác nhân gây dị ứng, từ đó các triệu chứng sưng mũi, viêm mũi, ngạt mũi, khó thở, đau nhức sẽ dần biến mất.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc giúp làm giảm vai trò của histamin trong phản ứng dị ứng, giảm nhẹ triệu chứng mũi bị kích ứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Mặc dù được chứng nhận về hiệu quả cao nhưng thuốc Tây Y cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ nếu người bệnh không sử dụng thuốc đúng liều lượng. Vì vậy, hãy tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của bác sĩ trước khi dùng và tuân thủ đúng theo chỉ dẫn để đạt hiệu quả cao nhất.
Áp dụng mẹo dân gian chữa viêm mũi dị ứng giao mùa
Bên cạnh việc dùng thuốc Tây Y, rất nhiều người dân đã tận dụng nguyên liệu tự nhiên xung quanh mình để chữa viêm mũi dị ứng ngay tại nhà một cách tiết kiệm, hiệu quả. Bạn có thể áp dụng theo những chỉ dẫn đơn giản dưới đây:
- Dùng cây hoa ngũ sắc
Hoa ngũ sắc chứa thành phần hoạt chất sát trùng, tiêu thũng, kháng viêm, giảm phù nề tiết dịch, vì vậy rất hay được mọi người sử dụng để chữa viêm mũi, viêm xoang. Bạn chỉ cần rửa sạch hoa ngũ sắc, sau đó giã nát cùng 1 chút muối, lấy bông y tế thấm dung dịch thu được rồi nhét vào 2 bên mũi trong 10 phút. Mũi sẽ được làm sạch, thông thoáng và dễ chịu hơn nhanh chóng.
- Kết hợp tỏi và mật ong
Tỏi và mật ong đều là 2 nguyên liệu chứa hoạt chất kháng khuẩn, làm sạch tự nhiên, có thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, virus và các dị nguyên trong khoang mũi, cải thiện triệu chứng viêm mũi dị ứng hiệu quả.
Hãy lột vỏ 1 củ tỏi, giã nhuyễn, ép lấy nước cốt rồi trộn cùng mật ong. Sau đó, sử dụng bông gòn thấm dung dịch thu được, nhét vào 2 bên mũi để làm sạch khoang mũi. Thực hiện hàng ngày, triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết sẽ dần cải thiện nhanh chóng.
- Dùng lá ngải cứu
Lá ngải cứu có chứa hoạt chất diệt khuẩn, kháng viêm, giảm đau, giúp giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết. Bạn chỉ cần rửa sạch 1 năm lá ngải cứu, sau đó nấu cùng 1 lít nước và dùng nước đó để xông hơi. Phương pháp này giúp mũi thông thoáng hơn, loại bỏ dịch hô hấp và cải thiện chứng nghẹt mũi, viêm nhiễm hiệu quả.
Các bài thuốc Đông Y trị viêm mũi dị ứng thời tiết
Bên cạnh các phương pháp trên, bạn có thể sử dụng các bài thuốc Đông Y sau để điều trị viêm mũi dị ứng một cách an toàn, lành tính, hiệu quả cao, đồng thời nâng cao sức đề kháng cho toàn bộ cơ thể.
- Bài thuốc 1
Hãy chuẩn bị các vị thuốc theo công thức sau: Ké đầu ngựa 12g, cam thảo nam 10g, lá dâu tằm 10g, kinh giới 10g, cúc tần 10g, bồ công anh 12g, kim ngân hoa 16g, mã đề 10g, rau diếp cá 12g, bạc hà 8g.
Cho toàn bộ nguyên liệu trên vào ấm sắc cùng 750ml nước, sau khi sắc từ 30 – 40 phút, lượng thuốc thu được sẽ cô cạn còn một nửa, hãy chia thành 2 lần uống sáng, tối, trước khi ăn để đạt hiệu quả cao nhất.
- Bài thuốc 2
Chuẩn bị các vị thuốc sau: Rễ đinh lăng 12g, đậu ván sao vàng 12g, mã đề 10g, bạc hà 10g, bạch chỉ 10g, kinh giới 12g, đẳng sâm 12g, ngũ vị tử 6g, ý dĩ sao vàng 12g, ké đầu ngựa 12g.
Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm, sắc cùng 1 lít nước, sau 40 phút, lượng thuốc thu được còn khoảng 300ml thì tắt bếp, chia làm 3 phần uống trong ngày để cải thiện nhanh các triệu ứng viêm mũi dị ứng thời tiết.
- Bài thuốc 3
Chuẩn bị các vị thuốc sau: Bạch chỉ 10g, quế chi 6g, bèo cái (bỏ rễ) 12g, gừng 6g, kinh giới 10g, đại táo 3 quả, hành trắng 8g, ké đầu ngựa 12g, mã đề 10g.
Cho toàn bộ các vị thuốc trên vào ấm sắc cùng 600ml nước, sau 40 phút, lượng nước giảm còn ½ thì tắt bếp, chia làm 2 phần bằng nhau rồi uống trong ngày, trước khi ăn.
Lưu ý khi chữa viêm mũi dị ứng giao mùa
Bên cạnh việc áp dụng các bài thuốc, phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết, người bệnh cũng cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để loại bỏ các chất gây dị ứng, kích ứng niêm mạc mũi, từ đó làm giảm đáng kể triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, khô mũi.
- Người bệnh cũng nên kết hợp xông hơi để giúp mũi trở nên thông thoáng, giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.
- Sau khi khỏi bệnh, người bệnh vẫn nên duy trì thói quen vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giặt chăn, ga, gối, nệm hàng tuần để ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, đồng thời thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh quay trở lại.
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về viêm mũi dị ứng thời tiết cũng như cách điều trị, phòng tránh bệnh hiệu quả. Hãy vệ sinh cơ quan hô hấp sạch sẽ, cũng như nâng cao sức đề kháng để ngăn ngừa bệnh, tránh những khó chịu, bất tiện trong cuộc sống do bệnh lý này gây ra.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!