Bệnh Viêm Mũi Dị Ứng: Nguyên Nhân, Biến Chứng Và Cách Điều Trị
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm mũi do dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, chất dị ứng có trong không khí, phấn hoa, lông động vật, thực phẩm… Bệnh có thể bùng phát vào một số thời điểm cụ thể trong năm (mùa lạnh, giai đoạn chuyển mùa) hoặc xuất hiện quanh năm, gây ra không ít phiền toái đối với sinh hoạt, lao động.
Viêm mũi dị ứng là bệnh gì?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc bị kích ứng, phù nề, viêm đỏ do tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, hóa chất, thuốc hoặc thực phẩm, thời tiết,… Theo thống kê, có đến 10 – 30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi do dị ứng.
Khi tiếp xúc với các dị nguyên trên, cơ thể sẽ kích thích sản sinh histamin vào niêm mạc hô hấp, từ đó dẫn đến các phản ứng như sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi. Một số người còn gặp triệu chứng đi kèm như nổi mề đay, viêm kết mạc dị ứng,…
Viêm mũi dị ứng được chia thành 2 dạng chính, đó là:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: Thường gặp nhất là dị ứng thời tiết, chỉ xảy ra vào một khoảng thời gian nhất định trong năm như mùa lạnh, thời gian giao mùa,…
- Viêm mũi dị ứng mãn tính: Là tình trạng viêm mũi, sưng nề, kích ứng xảy ra quanh năm, bất cứ khi nào gặp phải yếu tố dị ứng cũng đều dẫn đến phản ứng viêm, kích ứng niêm mạc mũi.
6 triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng
Nếu bạn nhận thấy mình gặp phải các triệu chứng sau đây, khả năng rất cao là bạn đã bị viêm mũi dị ứng, cần có biện pháp khắc phục và điều trị kịp thời:
- Thường xuyên chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi.
- Hắt hơi nhiều, nhất là khi tiếp xúc với không khí lạnh, nấm mốc, phấn hoa, gió, lông động vật.
- Cổ họng ngứa, dễ ho, đằng hắng, hoặc có thể khàn tiếng, mất tiếng khi nước mũi chảy xuống vòm họng lâu dài.
- Mắt người bệnh sẽ có hiện tượng ngứa, đỏ, chảy nước mắt.
- Nước mũi có màu trong suốt, sau 1, 2 ngày, nước mũi chuyển sang màu vàng đục.
- Một số trường hợp, viêm mũi dị ứng còn đi kèm với một số phản ứng nổi mề đay, phát ban, viêm da cơ địa.
Viêm mũi dị ứng thường xuất hiện vào mùa lạnh, khi thời tiết nhiều gió, khô hanh và có thể tự biến mất dần triệu chứng khi thời tiết ấm lên. Tuy nhiên, nếu không xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời, bệnh rất dễ tiến triển thành mãn tính, gây khó khăn, phiền toái cho người bệnh hơn trong cuộc sống.
4 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm mũi dị ứng
Để có biện pháp khắc phục, điều trị viêm mũi an toàn, hiệu quả, trước hết cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Bởi trên thực tế, không phải ai cũng bị kích ứng khi tiếp xúc với dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, không khí lạnh. Bệnh chỉ xuất hiện do những yếu tố chính sau:
- Cơ địa dị ứng: Nhiều người sinh ra đã sở hữu cơ địa dễ dị ứng, vì vậy họ có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản, mề đay mẩn ngứa cao hơn hẳn so với người bình thường. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến hàng đầu dẫn tới viêm mũi.
- Do di truyền: Nếu ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột thường mắc các bệnh về dị ứng thì nguy cơ người thân cận huyết như con, cháu cũng mắc phải các bệnh này rất cao.
- Sức đề kháng kém: Hệ miễn dịch là yếu tố trực tiếp dẫn tới phản ứng thái quá của cơ thể với các yếu tố bên ngoài như thời tiết, thực phẩm, phấn hoa, lông động vật,… Khi hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn trước những tác nhân bên ngoài và bùng phát cơn dị ứng. Do đó, viêm mũi dị ứng thường dễ gặp hơn ở những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ, người bị tiểu đường, HIV,…
- Yếu tố thời tiết: Viêm mũi dị ứng thường dễ gặp hơn ở những giai đoạn mùa lạnh, không khí lạnh, khô hoặc thời điểm giao mùa bởi lúc này, các tác nhân gây dị ứng trong không khí tăng cao, kích thích phản ứng dị ứng, sưng viêm, phù nề ở niêm mạc mũi.
Giải đáp viêm mũi dị ứng nguy hiểm như thế nào?
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý về hệ hô hấp thường gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lý này không quá nghiêm trọng vì không có sự tham gia của virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống khá nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nếu không được khắc phục và điều trị kịp thời, viêm mũi dị ứng có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Ù tai, nhức đầu: Tai, mũi, họng là các cơ quan hô hấp có quan hệ mật thiết với nhau. Khi niêm mạc mũi bị ảnh hưởng, các cơ quan khác cũng có thể bị ảnh hưởng khá nhiều. Tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi kéo dài thường xuyên sẽ khiến người bệnh bị đau đầu, ù tai, mệt mỏi và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
- Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác: Khi viêm mũi dị ứng kéo dài, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, không thể thở được bằng mũi. Điều này dẫn đến việc phải thở bằng miệng thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho gió lạnh, khói bụi, vi khuẩn, virus xâm nhập vào niêm mạc họng và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp như viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm thanh quản,…
- Xuất hiện polyp xoang, polyp mũi: Polyp là một dạng khối u lành tính, có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan của cơ thể, trong đó có xoang và mũi khi bệnh lý này kéo dài. Mặc dù lành tính nhưng việc xuất hiện ở niêm mạc xoang, mũi sẽ ngăn cản quá trình dẫn lưu dịch tiết hô hấp, dẫn đến phản ứng viêm nặng và ảnh hưởng khá lớn tới chức năng hô hấp của con người.
- Bội nhiễm vi khuẩn: Khi viêm mũi dị ứng kéo dài, tình trạng tăng tiết dịch hô hấp sẽ diễn ra mạnh mẽ, chúng ứ đọng trong khoang mũi, hốc xoang, trở thành nơi lý tưởng cho vi khuẩn trú ngụ và gây tình trạng bội nhiễm. Khi đó, nước mũi sẽ chuyển màu vàng đặc, gây nóng, sốt, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi cho người bệnh. Nếu không được khắc phục và điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan sang tai, họng,… thậm chí là các cơ quan xa hơn như tim, thận, xương khớp,…
Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng kéo dài còn khiến người bệnh thường xuyên trong tình trạng khó chịu, mệt mỏi, lo lắng, đau đầu, suy giảm trí nhớ. Vì vậy, người bệnh cần có biện pháp chăm sóc, điều trị đúng cách để loại bỏ triệu chứng và giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe.
4 cách khắc phục viêm mũi dị ứng an toàn, hiệu quả
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý có tính chất dai dẳng, rất khó để chấm dứt hoàn toàn. Bệnh có thể tự biến mất khi thời tiết ấm, ổn định mà không cần các biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp người mắc bệnh đều bị tiến triển dai dẳng và tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Do đó, người bệnh vẫn nên áp dụng các biện pháp điều trị, ngăn chặn bệnh trở nên nghiêm trọng hơn bằng cách:
Sử dụng thuốc Tây y trong điều trị triệu chứng viêm mũi
Đây là phương pháp mang lại hiệu quả nhanh chóng, giúp người bệnh loại bỏ các triệu chứng viêm mũi dị ứng và viêm nhiễm, ngăn ngừa sự ảnh hưởng tới các cơ quan khác. Một số loại thuốc chữa viêm mũi thường được các bác sĩ kê đơn, khuyến khích sử dụng gồm có:
- Thuốc kháng histamin H1: Đây là nhóm thuốc thông dụng thường được chỉ định trong điều trị viêm mũi dị ứng và các bệnh liên quan đến cơ chế dị ứng như: Viêm kết mạc dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa. Nhóm thuốc này mang đến công dụng đối kháng chọn lọc với histamin ở thụ thể H1, từ đó giảm nhanh các triệu chứng do histamin gây ra như sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, phù nề niêm mạc mũi. Một số loại thuốc cụ thể thường được sử dụng gồm có: Loratadin, Cinarizin, Chlorpheniramin, Promethazin.
- Thuốc xịt mũi co mạch: Bên cạnh thuốc uống kháng histamin H1, người bệnh cũng có thể kết hợp sử dụng thuốc xịt mũi có thành phần hoạt chất giúp co mạch như Naphazolin, Xylometazolin,… Khi tiếp xúc với niêm mạc mũi, chúng có tác dụng làm co mạch, giảm phù nề, sưng viêm, từ đó người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng chúng trong thời gian ngắn để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Tương tự như thuốc xịt mũi co mạch, các loại thuốc xịt có chứa corticoid cũng giúp giảm sưng viêm, phù nề ở niêm mạc mũi hiệu quả, ức chế miễn dịch tại chỗ, chống viêm và kháng dị ứng. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài, thuốc cũng có thể gây kích ứng niêm mạc hô hấp, chảy máu cam, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng đúng liều lượng theo chỉ dẫn của các bác sĩ.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp viêm mũi dị ứng bội nhiễm, thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt vi khuẩn trú ngụ, ngăn ngừa quá trình nhiễm trùng tiến triển làm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới mũi và các cơ quan xung quanh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng sinh cũng cần tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh hiện tượng kháng kháng sinh.
Bên cạnh các loại thuốc trên, người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt (trong trường hợp sốt) hoặc các sản phẩm bổ sung kẽm, vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng, cải thiện chức năng hệ miễn dịch trước sự tấn công của các dị nguyên ngoài môi trường.
Điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc Đông y an toàn, lành tính
Bên cạnh thuốc Tây Y, sử dụng thuốc Đông Y cũng là phương pháp chữa bệnh khá hiệu quả, an toàn, lại không mang lại tác dụng phụ như thuốc Tây Y. Theo Y học cổ truyền, bản chất của viêm mũi dị ứng là ban hư tiêu thực, bị ảnh hưởng bởi các tạng Phế, Tỳ, Thận. Nguyên nhân chính dẫn đến viêm mũi dị ứng là do Phế hư cảm hàn, tỵ tắc uất nhiệt, phế thất thanh túc, thận dương hư nhược,…
Vì vậy, để điều trị bệnh tận gốc, Đông Y sẽ tập trung vào đẩy lùi tà khí, tăng cường chính khí, bổ thận, kiện tỳ, nâng cao chức năng Phế, Tỳ, Thận. Khi đó, viêm mũi dị ứng sẽ được xử lý từ gốc, hạn chế tái phát. Một số bài thuốc Đông Y người bệnh có thể tham khảo và sử dụng như sau:
- Bài thuốc 1
Chuẩn bị các vị thuốc sau: Xuyên khung 16g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 12g, bạch chỉ 12g, bạch thược 12g, khương hoạt 8g, quế chi 8g, bán hạ 8g, ma hoàng 6g, phòng phong 6g, cam thảo 4g.
Cho toàn bộ vị thuốc trên vào ấm, sắc cùng 1,5 lít nước trong vòng 30 – 45 phút. Khi thuốc cô cạn còn khoảng 200ml thì ngưng, chia làm 2 lần sử dụng trong ngày.
- Bài thuốc 2
Chuẩn bị các vị thuốc sau: Ké đầu ngựa 12g, kinh giới 10g, quế chi 8g, thông bạch 8g, hành trắng 8g, bạch chỉ 8g, mã đề 8g, gừng tươi 4g, đại táo 3 quả.
Cho toàn bộ các vị thuốc trên vào ấm, sắc cùng 600ml nước, đun cho tới khi lượng nước trong ấm cô cạn còn khoảng ½ so với ban đầu thì tắt bếp, chia làm 2 phần uống 2 lần/ngày.
Áp dụng các biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh việc dùng các loại thuốc chữa viêm mũi dị ứng, bạn cũng có thể hỗ trợ cải thiện nhanh triệu chứng bằng các biện pháp làm sạch mũi, chăm sóc dưới đây.
- Rửa mũi với nước muối sinh lý: Đây là cách để loại bỏ dịch tiết hô hấp, ngăn ngừa hiện tượng vi khuẩn trú ngụ trong khoang mũi và gây bội nhiễm. Đồng thời, việc rửa nước muối còn giúp làm dịu niêm mạc hô hấp, hỗ trợ dẫn lưu dịch tốt hơn, từ đó cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, ngứa mũi, sổ mũi một cách rõ rệt.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới viêm mũi dị ứng là do thời tiết khô hanh, khiến niêm mạc mũi bị khô và dễ kích ứng. Vì vậy, để giảm thiểu triệu chứng bệnh, người bệnh có thể đặt một chiếc máy tạo độ ẩm trong phòng và ngăn ngừa nguy cơ viêm mũi tiến triển, tái phát.
- Xông mũi với thảo dược: Khi tiến hành xông mũi cùng các loại thảo dược tự nhiên như gừng tươi, vỏ chanh, tinh dầu tràm trà,… khoang mũi sẽ được làm sạch, loại bỏ dịch tiết hô hấp, giúp mũi trở nên thông thoáng, dễ chịu, hết nghẹt mũi, ngứa mũi. Đồng thời, hoạt chất kháng khuẩn có trong các loại thảo dược trên cũng giúp tiêu diệt vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm.
Vật lý trị liệu chữa viêm mũi dị ứng
Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây, thuốc Đông Y hoặc biện pháp hỗ trợ kể trên, vật lý trị liệu cũng là cách được nhiều người tin tưởng, áp dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng. Một số biện pháp vật lý trị liệu có thể áp dụng để chấm dứt hiện tượng viêm mũi gồm có: Châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ, thủy châm, cứu ngải,…
Các phương pháp trên sẽ tác động đến sâu bên trong cơ thể, giúp khí huyết lưu thông, cân bằng âm dương, nâng cao sức đề kháng. Khi đó, các triệu chứng ho, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi sẽ được cải thiện, hệ hô hấp hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa bệnh tái phát. Đồng thời, sức khỏe tổng thể của người bệnh cũng sẽ được nâng cao đáng kể.
Lưu ý khi điều trị và phòng tránh viêm mũi dị ứng
Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhưng bệnh lý này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, bạn cần có biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả bằng những biện pháp đơn giản sau:
- Khi thời tiết giao mùa, hãy luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài đường để hạn chế để mũi, miệng tiếp xúc với không khí, không hít phải các dị nguyên gây kích ứng có trong không khí.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đồng thời kết hợp dùng thiết bị lọc không khí để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc trong nhà.
- Làm sạch khoang miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng, súc miệng với nước muối sinh lý, đồng thời rửa mũi hàng ngày để loại bỏ vi khuẩn gây hại.
- Luôn giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm áp, quàng khăn, đội mũ kín, tránh để gió lạnh xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh về hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kích ứng niêm mạc mũi như phấn hoa, lông động vật, thực phẩm gây dị ứng, hóa chất, khói thuốc để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng bộc phát.
- Có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng, giúp cơ thể vững vàng khi tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh.
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sức khỏe của người bệnh, tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng cho hệ hô hấp. Vì vậy, người bệnh cần chú ý giữ gìn, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh xuất hiện hoặc tái phát. Khi có triệu chứng của bệnh, cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe toàn diện.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!