Viêm Da Tiếp Xúc Ở Trẻ Em: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Cách Chữa Trị
Một bệnh ngoài da phổ biến nhưng nguy hiểm khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng chính là viêm da tiếp xúc ở trẻ em. Để hiểu rõ bản chất, các triệu chứng nhận biết, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị, phòng ngừa, các bậc phụ huynh có thể tham khảo nội dung bài viết dưới đây.
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em và triệu chứng thường gặp
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc trực tiếp với yếu tố kích ứng và chất gây dị ứng. Bệnh thường gặp ở những người có da nhạy cảm và da yếu, đặc biệt là trẻ em.
Theo nghiên cứu, có đến 50% số trẻ sơ sinh mắc bệnh này trong những năm đầu đời , đặc biệt là lúc 6 – 9 tháng tuổi.
Bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em có thể dễ dàng nhận biết thông qua một số triệu chứng như:
- Trên da xuất hiện vết ban đỏ, có hình dạng và kích thước khác nhau.
- Các vết ban phù nề, có thể dễ dàng phân biệt với vùng da không bị bệnh.
- Sau một thời gian, trên da xuất hiện những mụn nước nhỏ hoặc các bọng nước mọc rải rác.
- Khoảng 3-5 ngày sau, mụn nước tự vỡ, vết thương trên da lành lại và tạo thành vảy.
Khi bị bệnh, trẻ sẽ cảm thấy nóng rát, ngứa ngáy và đau nhức. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ. Trẻ quấy khóc, khó chịu và thường vô thức chà xát lên vùng da bị bệnh.
Nếu không chữa trị kịp thời hoặc để trẻ chà xát nhiều vào vùng da bị tổn thương, trẻ có thể bị nổi mề đay khắp người và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ em
Theo các bác sĩ chuyên khoa, có 2 nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em gồm:
- Tiếp xúc với chất kích ứng (chiếm 80%): Trẻ tiếp xúc với các chất hóa học, chất tẩy rửa, nọc độc côn trùng… Đây là những yếu tố trực tiếp làm cho da bị tổn thương mà không thông qua dị ứng.
- Chất gây dị ứng sản sinh từ hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch hoạt động sai cách khiến các kháng thể IgE sản sinh Histamin quá mức. Histamin chính là hoạt chất gây dị ứng da, phát ban, nổi mề đay và mụn nước. Nếu gia đình có người từng bị rối loạn miễn dịch, hen suyễn, dị ứng thì trẻ rất dễ di truyền yếu tố này.
Ngoài ra còn có một số yếu tố gây dị ứng khiến trẻ bị viêm da tiếp xúc như:
- Nọc độc côn trùng.
- Hóa chất, dung dịch tẩy rửa.
- Quần áo, giày dép, đồ chơi bằng cao su.
- Một số kim loại như bạc, sắt…
- Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm.
- Tiếp xúc với phấn hoa.
- Ánh nắng mặt trời.
Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh bởi hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, làn da mỏng manh dễ bị tấn công bởi các yếu tố môi trường. Theo thống kê, có đến 90% trẻ sơ sinh mắc bệnh này do kháng thể tự khống chế nhau.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho rằng di truyền có ảnh hưởng đến bệnh và bé gái thường có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc cao hơn so với bé trai. Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi cũng dễ bị mắc bệnh.
XEM THÊM: Nguyên nhân viêm da tiếp xúc bội nhiễm và cách điều trị
Viêm da tiếp xúc với trẻ em có nguy hiểm không?
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng viêm da tiếp xúc chỉ là bệnh ngoài da nên ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trên thực tế, viêm da tiếp xúc không chỉ khiến trẻ gặp đau đớn, khó chịu với những triệu chứng mà bệnh còn để lại những di chứng vĩnh viễn.
Trẻ có thể bị tổn thương da diện rộng và có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc bội nhiễm nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc và điều trị cho trẻ.
Nếu bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu, trẻ sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng như:
- Viêm da bội nhiễm: Trẻ bị viêm da tiếp xúc thường có xu hướng gãi ngứa để giảm bớt khó chịu. Điều này có thể khiến làn da của trẻ bị rách, tổn thương trên diện rộng và tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập, hình thành viêm da bội nhiễm. Nếu viêm da tiếp xúc tiến triển thành viêm da bội nhiễm, cha mẹ có thể thấy vùng da bị tổn thương lan rộng khắp tay, chân, lưng, mặt. Vùng da bị lở loét, mưng mủ, các vết đỏ hoặc mụn nước bị vỡ sẽ chảy dịch.
- Viêm da thần kinh: Viêm da thần kinh là tình trạng da xuất hiện các mảng liken hóa, có màu sẫm, bong vảy và gây ngứa ngáy lâu ngày. Bệnh có xu hướng phát triển thành mãn tính và rất khó chữa khỏi. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến viêm da thần kinh. Tuy nhiên, những người có tiền sử bị viêm da bội nhiễm rất dễ tiến triển thành bệnh này.
- Hoại tử da: Trẻ bị viêm da tiếp xúc sau khi bị bội nhiễm do vi khuẩn sẽ có nguy cơ bị hoại tử da nếu không được điều trị kịp thời. Việc bôi thuốc chứa corticosteroid quá liều cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da nên cha mẹ tuyệt đối không được lạm dụng loại thuốc này.
- Sẹo trên da vĩnh viễn: Làn da của trẻ rất mỏng manh nên các bệnh da liễu có thể gây tổn thương sâu và để lại các di chứng vĩnh viễn như thâm sẹo, sẹo lồi… Do đó, ngoài việc điều trị hết mẩn ngứa, cha mẹ cần chú ý phục hồi làn da cho trẻ.
- Trẻ bị sụt cân: Khi bị bệnh, trẻ thường xuyên khóc quấy, biếng ăn. Hơn nữa, viêm da tiếp xúc còn khiến trẻ ngứa ngáy dữ dội, khó ngủ nên tình trạng sụt cân rất dễ xảy ra.
Có thể thấy, viêm da tiếp xúc là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm đối với trẻ. Do đó, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám và tiếp nhận điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa ngay.
XEM THÊM: Viêm da tiếp xúc ở mặt là gì? Phương pháp trị tốt nhất
Cách điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em an toàn
Bệnh viêm da tiếp xúc làm trẻ ngứa ngáy, quấy khóc và chà xát lên vết thương làm cho bệnh nặng hơn. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như viêm da tiếp xúc bội nhiễm, hoại tử da và để lại sẹo vĩnh viễn.
Hệ miễn dịch của trẻ em còn yếu và làn da nhạy cảm nên bố mẹ cần chú ý lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Chữa viêm da tiếp xúc cho trẻ tại nhà
Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc chữa viêm da tiếp xúc cho trẻ ngay tại nhà. Bố mẹ có thể dễ dàng thực hiện một số biện pháp dưới đây, vừa an toàn lại hiệu quả:
- Tắm nước mát, thêm chút tinh dầu khuynh diệp để làm dịu da, sát trùng, loại bỏ chất gây kích ứng và dị ứng.
- Thoa kem dưỡng có thành phần kháng khuẩn và làm dịu da.
- Cho trẻ uống nhiều nước ép rau củ, trái cây để tăng sức đề kháng.
- Bố mẹ cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, hạn chế tối đa việc chà xát lên vùng da bị bệnh.
- Khi trẻ bị bệnh, bố mẹ hạn chế cho con vui chơi dưới ánh nắng.
- Không cho trẻ ăn thực phẩm gây dị ứng cao như sữa bò, hải sản…
- Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như lá chè xanh, lá trầu không, lát khế để nấu nước tắm cho trẻ. Các loại lá này giúp kháng viêm, sát khuẩn, giảm ngứa ngáy. Biện pháp này vừa dễ dàng thực hiện lại an toàn tuyệt đối cho trẻ.
Tuy nhiên, các cách điều trị viêm da tiếp xúc tại nhà thường chỉ có tác dụng nhanh với những trường hợp bệnh nhẹ. Bố mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế và tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Thuốc trị viêm da tiếp xúc cho trẻ em
Khi tình trạng bệnh nặng hơn hoặc các biện pháp điều trị tại nhà không phát huy được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho trẻ. Bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi, cân nặng, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh để đưa ra loại thuốc và liều lượng phù hợp.
Một số loại thuốc phổ biến để điều trị bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ:
- Dung dịch Jarish hoặc hồ nước giúp sát khuẩn, giảm sưng.
- Thuốc tím sử dụng trong trường hợp da bị viêm nhiễm, giúp giảm ngứa và sát trùng. Bố mẹ có thể bôi trực tiếp lên da trẻ hoặc pha với nước tắm.
- Thuốc kháng histamine H1 giúp giảm viêm, giảm ngứa ngáy và chống dị ứng.
- Thuốc corticoid được sử dụng trong trường hợp viêm da tiếp xúc nặng.
- Thuốc kháng sinh sử dụng khi có dấu hiệu nhiễm trùng da. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh có dược tính mạnh, dễ gây ra tác dụng phụ nên phụ huynh tuyệt đối không sử dụng nếu không có chỉ dẫn của bác sỹ.
Cách chữa trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em bằng thuốc tây y có hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể kèm theo nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần theo dõi sát sao con trong suốt quá trình điều trị. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ cần nhanh chóng báo cho bác sĩ để có điều chỉnh phù hợp.
Chữa viêm da tiếp xúc cho trẻ bằng đông y
Nếu cha mẹ điều trị viêm da tiếp xúc cho trẻ tại nhà không hiệu quả hoặc lo sợ tác dụng phụ của thuốc tây y thì đông y là một giải pháp an toàn và hữu hiệu mà cha mẹ có thể tham khảo.
Theo đông y, viêm da tiếp xúc hình thành chủ yếu do chính khí hư, vệ khí suy yếu, cơ địa dễ dị ứng nên tiếp xúc với các chất độc bên ngoài dễ bị ảnh hưởng.
Khi tà độc xâm nhập qua da sẽ khiến cơ thể tích tụ độc tố, uất tụ hóa nhiệt làm cho khí huyết bị rối loạn. Với cơ địa mẫn cảm, trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi tà độc bên ngoài và hình thành bệnh.
Xuất phát từ căn nguyên này, muốn điều trị viêm da tiếp xúc cho trẻ hiệu quả thì cần dùng phép sơ phong, thanh nhiệt, chỉ dưỡng hoặc thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.
Bài thuốc cũng phải chú trọng tăng cường chính khí, phục hồi vệ khí nhằm nâng cao cơ chế chữa bệnh tự nhiên của cơ thể. Khi chính khí mạnh thì tà độc sẽ không thể xâm phạm, bệnh chữa dứt điểm sẽ không bị tái phát. Với phép trị trên, trong các bài thuốc đông y chữa viêm da tiếp xúc thường xuất hiện các thảo dược như:
- Ngân hoa: Có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm nhờ khả năng khu phong, trừ thấp, hỗ trợ trị bệnh.
- Liên kiều: Vị thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu ung nhọt.
- Cam thảo: Tác dụng chủ yếu là giải độc, tăng cường miễn dịch.
- Ngưu bàng: Giúp trừ phong, tán nhiệt, sát trùng, tiêu thũng.
- Kinh giới: Thường dùng để trừ phong, thanh nhiệt, khử khuẩn.
- Cát cánh: Công dụng chủ yếu là trừ hàn nhiệt, bổ khí huyết
Các thảo dược này có thể được bào chế thành thuốc uống hoặc dạng cao bôi ngoài da. Thầy thuốc sẽ gia giảm tỷ lệ dược liệu theo từng thể trạng để đảm bảo bài thuốc cho hiệu quả cao, an toàn dùng cho trẻ nhất. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến các phòng khám, trung tâm đông y để chẩn mạch và bốc thuốc trực tiếp.
Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn cơ sở đông y uy tín, thầy thuốc được đào tạo chính quy, giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao để cho trẻ khám bệnh. Việc dùng thảo dược kém chất lượng có thể gây tổn hại đến sức khỏe và làn da của trẻ.
Phòng tránh viêm da tiếp xúc ở trẻ em
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con phòng tránh bệnh viêm da tiếp xúc bằng một số biện pháp sau:
- Cho trẻ bú sữa mẹ lâu nhất có thể để tăng sức đề kháng
- Luôn luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể cho trẻ
- Hạn chế sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa có chứa nhiều hóa chất. Bố mẹ nên chọn các sản phẩm từ thiên nhiên hoặc được chứng nhận an toàn cho trẻ nhỏ.
- Nhắc nhở trẻ tránh xa các nguyên nhân gây bệnh như côn trùng, mủ thực vật, hóa chất độc hại…
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, chăn màn, quần áo của trẻ
- Sử dụng sản phẩm giúp dưỡng ẩm và tăng sức đề kháng cho da
- Mặc quần áo rộng rãi, thay tã thường xuyên
- Đưa ra chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế những thực phẩm dễ gây dị ứng
- Hạn chế để trẻ vui chơi ở những nơi mất vệ sinh, có nhiều cây cỏ và côn trùng.
Bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em gây ra các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu, khiến trẻ khóc quấy, chà xát làm tổn thương da… Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Khi cha mẹ nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị viêm da tiếp xúc, hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để tiếp nhận điều trị sớm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!