Nổi Mẩn Đỏ Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị Hiệu Quả
Nổi mẩn đỏ ngứa ngáy là hiện tượng thường gặp ở nhiều người. Tình trạng này xảy ra do cơ thể bị dị ứng với một số chất dị nguyên như phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật, xà phòng,… hoặc do người bệnh mắc một số căn bệnh da liễu như viêm da, mề đay, lupus ban đỏ,… Vậy bị nốt đỏ trên da là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này.
Nổi mẩn đỏ trên da là bệnh gì?
Nổi mẩn đỏ trên da thể hiện những thay đổi về màu sắc hoặc kết cấu trên da. Đây là hiện tượng thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm, trẻ em hoặc phụ nữ mang thai. Mẩn đỏ trên da có thể chia thành hai loại đó là da nổi mẩn đỏ ngứa và da nổi mẩn đỏ không ngứa. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các nốt mẩn đỏ có thể biến mất sau vài giờ hoặc vào ngày.
Một số triệu chứng thường gặp khi bị ngứa nổi mẩn đỏ:
- Bị nổi mẩn đỏ ngứa ở mức độ nhẹ: Hiện tượng mẩn đỏ xuất hiện ít trên da, có thể biến mất sau khoảng 3 – 4 giờ mà không cần điều trị.
- Nổi mẩn đỏ ở mức độ nghiêm trọng: Vùng da nổi mẩn đỏ có thể lan rộng và xuất hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Nốt mẩn đỏ có thể có mủ, ngứa ngáy, đau rát. Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện những triệu chứng như khó thở, tức ngực, mệt mỏi,…
Hiện tượng nổi mẩn đỏ trên da và ngứa thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý ngoài da. Tuy nhiên nếu bạn bị mẩn đỏ đi kèm theo các triệu chứng dưới đây thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nổi mẩn đỏ khắp cơ thể, gây đau nhức, các tổn thương da có dấu hiệu sưng tấy, lở loét và lan rộng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo hiện tượng nhiễm trùng.
- Các triệu chứng mẩn đỏ không cải thiện sau vài ngày, kể cả khi bạn đã điều trị tích cực bằng thuốc.
- Mẩn đỏ kèm theo hiện tượng khó thở, mặt sưng, môi mắt sưng là dấu hiệu người bệnh bị sốc phản vệ ở mức độ nghiêm trọng.
- Trên da đột ngột xuất hiện nhiều mụn nước, nhọt nhỏ li ti, đốm đỏ có thể gây ngứa hoặc không.
- Cơ thể bị sốt, người bệnh có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, da dẻ kém sắc.
Nguyên nhân gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ trên da và ngứa
Hiện tượng nổi mẩn đỏ trên da có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do dị ứng thông thường hoặc do một số bệnh lý khác. Việc xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp người bệnh tìm được phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến người bệnh bị nốt đỏ trên da:
- Dị ứng, nổi mề đay: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như thức ăn, thời tiết, lông động vật, mỹ phẩm, phấn hoa,… thì hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tiết ra histamin gây ra hiện tượng dị ứng. Người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng nổi sần đỏ và ngứa ngáy trên da. Tình trạng này có thể cải thiện sau vài giờ hoặc vài ngày.
- Lupus ban đỏ: Lupus ban đỏ là một căn bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tự tấn công vào các tế bào da. Triệu chứng thường gặp của căn bệnh này đó là các nốt mẩn đỏ xuất hiện trên da.
- Do rôm sảy: Nổi mẩn đỏ trên da có thể do rôm sảy, tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em khi thời tiết nắng nóng, oi bức. Căn bệnh này có thể biến mất khi thời tiết mát mẻ. Do vậy người bệnh không cần phải quá lo lắng.
- Viêm da tiết bã: Người bị nổi mẩn đỏ ngứa có thể là triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã. Căn bệnh này có dấu hiệu điển hình đó là da nổi mẩn đỏ, dễ bong tróc, bị rụng lông, tóc ở những vùng nổi mẩn. Viêm da tiết bã là tình trạng mãn tính, do vậy người bệnh cần tích cực điều trị để ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Viêm da cơ địa: Viêm da cơ địa là căn bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc những người có cơ địa dị ứng. Nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, bong tróc là triệu chứng điển hình của căn bệnh này. Bệnh thường nặng hơn khi thời tiết hanh khô hoặc người bệnh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng.
- Hăm da: Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em hoặc những người bị béo phì. Hăm da xảy ra ở những khu vực ẩm ướt hoặc có nếp gấp da. Triệu chứng thường gặp đó là nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, đau đớn, khó chịu. Để hạn chế hăm da, người bệnh cần giữ cơ thể luôn khô ráo, sạch sẽ. Với người bị béo phì nên giảm cân để cải thiện tình trạng hăm da.
- Viêm nang lông: Những người bị viêm nang lông thường bị nổi mẩn đỏ ở đầu các nang lông. Tình trạng này xảy ra khi lỗ chân lông bị bít tắc bởi mồ hôi, dầu thừa và bụi bẩn. Bệnh viêm nang lông ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp.
- Ghẻ lở: Đặc trưng của bệnh ghẻ da là người bị nổi mẩn đỏ ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh ghẻ rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường tiếp xúc. Do vậy người bệnh cần điều trị bệnh triệt để.
- Nhiễm virus: Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó không chỉ gây ra phản ứng sốt cao, mệt mỏi mà còn khiến làn da xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ, phát ban. Nổi mẩn đỏ do nhiễm virus có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày.
- Rosacea: Rosacea là tình trạng viêm da mãn tính có thể gặp ở một số người. Triệu chứng điển hình của căn bệnh là nổi mẩn đỏ trên mặt.
- Zona thần kinh: Zona thần kinh là căn bệnh xảy ra do virus Varicella zoster xâm nhập vào cơ thể. Triệu chứng thường gặp của bệnh là nổi mẩn đỏ, có mủ trắng trên da kèm theo những cơn nóng rát, đau nhức.
- Vảy nến: Cũng như lupus ban đỏ, vảy nến cũng là bệnh tự miễn thường gặp. Triệu chứng của căn bệnh này là tình trạng nổi mẩn đỏ xuất hiện ở một hoặc nhiều vùng da trên cơ thể. Bệnh vảy nến nếu không được điều trị cẩn thận có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Viêm mô tế bào: Viêm mô tế bào xảy ra khi tế bào da bị vi khuẩn xâm nhập. Triệu chứng thường gặp của bệnh là nổi mẩn đỏ, sưng đau ở một vùng da. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể lan rộng ra toàn bộ cơ thể và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Các bệnh lý ở gan: Gan có chức năng đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Khi gan có vấn đề, chức năng thải độc sẽ bị ảnh hưởng khiến độc tố dễ tích tụ trong cơ thể. Dấu hiệu cảnh báo gan của bạn đang bị tổn thương đó là bị nổi mẩn đỏ ngứa trên da.
- Bệnh lý ở thận: Khi mắc các bệnh lý ở thận như viêm cầu thận, suy thận, sỏi thận,… các độc tố trong cơ thể sẽ theo đường máu đi khắp cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng trên da như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy.
- Sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết xảy ra khi người bệnh bị nhiễm loại virus có tên Dengue. Nổi mẩn đỏ là một trong những triệu chứng thường gặp của căn bệnh này. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần chú ý theo dõi các triệu chứng của bệnh để tránh tình trạng suy giảm tiểu cầu.
- Nấm chân: Nấm da chân khiến vùng da bị bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy và vô cùng khó chịu. Người bệnh thường xuất hiện các nốt mẩn đỏ kèm theo các mụn nước nhỏ, rỉ dịch, đau rát, chảy máu và ngứa ngáy. Sau một thời gian, tổn thương trên da chuyển sang khô ráp, bong tróc. Bệnh phát triển tại các kẽ chân do hoạt động bài tiết mồ hôi quá mức, mang giày tất hoặc mắc bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch,…
- Lichen phẳng: Bệnh lichen phẳng thường có biểu hiện nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Trên da người bệnh sẽ xuất hiện nhiều mảng da sưng nhỏ. Khi chạm vào thấy cứng, căng bóng và kèm theo các vết bầm, tím. Bệnh lý này là một hiện tượng rối loạn tự miễn, có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể như ngực, cổ tay, bụng, lưng, chân, đùi, mắt cá,…
- Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, bị ngứa nổi mẩn đỏ còn có thể xảy ra do bệnh thủy đậu, sởi, chân tay miệng… Do vậy, khi bị nổi mẩn đỏ, người bệnh không nên chủ quan mà cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Da nổi mẩn đỏ điều trị như thế nào?
Tùy vào mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng một trong ba phương pháp điều trị bao gồm: Tây y, Đông y, mẹo dân gian.
Điều trị ngứa nổi mẩn đỏ bằng mẹo dân gian
Người bệnh bị ngứa nổi mẩn đỏ ở chân tay mức độ nhẹ, không ngứa ngáy, sưng đau có thể sử dụng các mẹo dân gian để điều trị bệnh. Ưu điểm của phương pháp này đó là dễ thực hiện, nguyên liệu giá rẻ, sử dụng an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, dược tính thấp nên tác dụng điều trị bệnh thường diễn ra chậm, người bệnh cần phải kiên trì thực hiện mới thấy được hiệu quả.
Một số mẹo điều trị da nổi mẩn đỏ bằng phương pháp dân gian có thể kể đến như:
- Tắm nước muối pha loãng: Muối có đặc tính sát trùng hiệu quả. Vì vậy có thể dùng nước muối loãng để loại bỏ vi khuẩn trên da, giảm mẩn đỏ và ngứa da hiệu quả. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần pha 1-2 thìa muối vào thau nước ấm và tắm mỗi ngày một lần. Sau khoảng 4 tuần bệnh sẽ được cải thiện.
- Đắp bột yến mạch: Dùng bột yến mạch xay nhuyễn để tắm hoặc trộn đều với mật ong và đắp lên da sẽ có tác dụng tốt trong việc dưỡng ẩm, loại bỏ tế bào chết, đồng thời giúp cung cấp thêm nhiều dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho làn da. Thường xuyên sử dụng phương pháp này mỗi ngày 1 lần sẽ giúp giảm ngứa ngáy và đỏ da hiệu quả.
- Tắm lá khế: Đông y cho rằng, lá khế có vị chua, tính bình, giúp thanh nhiệt, giải độc, ngừa viêm, làm giảm hiện tượng ngứa da nhanh chóng. Do vậy, tắm bằng nước lá khế mỗi ngày được xem là giải pháp hữu hiệu giúp khắc phục tình trạng nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, bệnh chàm, viêm da cơ địa,….
- Tắm lá tía tô: Trong thành phần của lá tía tô có chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa nên có tác dụng giúp giảm viêm nhiễm ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ trên da hiệu quả. Bạn có thể sử dụng lá tía tô để đun nước uống hoặc nấu nước tắm mỗi ngày để cải thiện các vấn đề trên da hiệu quả.
- Uống nước ép rau má: Theo Y học cổ truyền, rau má có tính bình, vị hơi đắng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan,… Do vậy, uống nước ép rau má mỗi ngày có thể giúp làm giảm nhanh tình trạng nổi mẩn đỏ trên da do bệnh lý về gan thận hoặc rôm sảy, nóng trong gây ra.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Nếu hiện tượng nổi mẩn đỏ trên da diễn biến lâu ngày khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Đồng thời tình trạng mẩn đỏ lan rộng hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm thì bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng các loại thuốc Tây y để chấm dứt nhanh các triệu chứng của bệnh:
Nhóm thuốc điều trị triệu chứng ngứa ngáy mẩn đỏ.
Các loại thuốc trong nhóm này thường được chỉ định để làm giảm thiểu cơ chế sản sinh histamin, một hoạt chất gây ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ trên da. Các loại thuốc thường được sử dụng để làm giảm mẩn đỏ bao gồm:
- Thuốc kháng histamin H1: Loại thuốc này thường giúp làm giảm triệu chứng nổi mẩn đỏ và ngứa da nhanh chóng. Bởi chúng có khả năng ức chế những tác động của histamin gây ra hiện tượng ngứa ngáy, mẩn đỏ.
- Thuốc chứa corticoid: Loại thuốc này giúp giảm ngứa, chống viêm tại vùng da bị mẩn đỏ nhanh chóng. Nó thường được sử dụng cho những bệnh nhân mắc viêm da cơ địa, vảy nến, lupus ban đỏ,… Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây mỏng da, teo da, ảnh hưởng đến gan thận nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài. Do vậy người bệnh nên sử dụng corticoid khi có chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng các loại kem bôi trị ngứa: Những loại kem bôi ngoài da đều có chứa các hoạt chất giúp dưỡng ẩm da, làm dịu cảm giác ngứa ngáy, châm chích nhanh chóng. Chúng có thể chứa corticoid hoặc không, do đó, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Một số sản phẩm tiêu biểu như: Kem Kobayashi Apitoberu (Nhật Bản), kem đa năng đu đủ Lucas Papaw Ointment (Úc), kem Belosalic (Nga)…
Nhóm thuốc điều trị căn nguyên gây bệnh
Để sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần biết mình đang bị nổi mẩn đỏ do nguyên nhân gì.
- Nếu nổi mẩn đỏ do mề đay, dị ứng bác sĩ chỉ định dùng thuốc histamin để làm giảm để giảm triệu chứng. Người bệnh chỉ cần không tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thì hiện tượng nổi mẩn đỏ sẽ sớm được cải thiện sau vài ngày.
- Nếu mẩn đỏ xảy ra do các bệnh tự miễn, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
- Nổi mẩn đỏ xảy ra do bệnh lý ở gan, thận, người bệnh cần sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Khi bệnh cải thiện thì tình trạng mẩn đỏ, phát ban trên da cũng sẽ thuyên giảm.
Mặc dù các loại thuốc Tây y giúp điều trị nhanh các triệu chứng của tình trạng nổi mẩn đỏ trên da, nhưng phương pháp này cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ. Bởi vậy trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh không nên tự ý thay đổi liều lượng để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sử dụng các bài thuốc Đông y
Theo Đông y, hiện tượng nổi những mảng đỏ trên da có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như dương phong, thủy giới, ẩn chẩn,… Do vậy để lựa chọn bài thuốc phù hợp, người bệnh cần đến những cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được bắt mạch và bốc thuốc phù hợp.
Điều trị nổi mẩn đỏ trên da bằng thuốc Đông y cần nhiều người gian bởi các vị thuốc đều là dược liệu tự nhiên nên cho dược tính khá chậm. Bù lại, chúng có khả năng điều trị vào tận căn nguyên gốc rễ của bệnh , hỗ trợ hoạt động của các cơ quan trong cơ thể nên sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.
Một số bài thuốc đông y giúp điều trị bệnh nổi mẩn đỏ trên da có thể kể đến như:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 12g rễ cây địa hoàng, 12g thân và lá của cây kim ngân hoa, 12g cỏ nhọ nồi. Cho tất cả các vị thuốc trên vào một ấm nước sôi sau đó hãm lấy nước uống hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 200g dạ dao đằng, 100g thương nhĩ tử tán, 100g gai sầu, 20g bạch tiên, 20g hoa tiêu, 20g thuyền thoái. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào sắc cùng với 5 lít nước trong 20 phút. Sau đó lọc lấy nước, bỏ bã, chờ nước nguội dần rồi dùng để tắm hoặc ngâm rửa vùng da bị bệnh.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị thuyền thoái, cát cánh, thiên phòng phong, khương hoạt, bắc sài hồ, kinh giới, kim ngân hoa, độc hoạt, bạch tiên, hoàng hoa địa hinh, bạch linh. Liều lượng gia giảm theo hướng dẫn của bác sĩ. Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm sắc cùng 2 lít nước trong 1 giờ. Sau đó tắt bếp, lọc lấy nước và uống ngày 3 lần, nên uống sau khi ăn.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị 90g ngải cứu, 6g hoa tiêu, 6g hùng hoàng, 30g phòng phong. Rửa sạch các nguyên liệu trên. Sắc cùng với 3l nước trong vòng 15 phút. Xông thuốc ở vùng da bị mẩn ngứa trong vòng vài phút và dùng nước này để ngâm rửa vùng da đang bị tổn thương.
- Bài thuốc 5: Chuẩn bị 30g đương quy, 30g khổ sâm, 20g bạc hà, 10g băng phiến, 20g xà sàng tử, 30g hoàng tinh, 20g bạch tiên trì, 15g hoa tiêu, 30g thấu cốt tử thảo, 30g địa phu tử. Đem rửa sạch các nguyên liệu trên rồi sắc cùng với 5 lít nước trong vòng 20 phút. Sau đó gạn bỏ bã, pha thêm với nước lọc và ngâm rửa vùng da bị bệnh.
Thực đơn dinh dưỡng cho người bị nổi mẩn đỏ ngứa
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân bị nổi mẩn đỏ trên da và ngứa. Việc bạn ăn gì hàng ngày có thể hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hoặc khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Do đó trong quá trình điều trị các bệnh liên quan đến hiện tượng nổi mẩn đỏ, người bệnh nên và không nên sử dụng một số nhóm thực phẩm sau:
Người bị nổi mẩn đỏ nên ăn gì?
Dưới đây là một số loại thực phẩm người bệnh nên chú ý sử dụng để giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ điều trị tình trạng mẩn ngứa, dị ứng hiệu quả:
- Rau xanh và hoa quả tươi: Việc bổ sung đầy đủ rau xanh và hoa quả giúp cung cấp vitamin cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu nhằm gia tăng sức đề kháng, giảm tình trạng viêm nhiễm ngứa ngáy, đồng thời cung cấp các dưỡng chất giúp điều trị những tổn thương do bệnh gây ra.
- Các loại hạt khô: Các loại hạt không chỉ cung cấp đầy đủ các dưỡng chất mà còn tăng cường độ ẩm cho da, giúp làm giảm được tình trạng khô da, duy trì lớp dưỡng ẩm tự nhiên, tăng cường khả năng bảo vệ da. Đồng thời giúp hạn chế những cơn ngứa khó chịu.
- Các loại cá giàu Omega 3: Thực phẩm chứa nhiều Omega 3 có tác dụng rất tốt đối với những bệnh nhân bị mẩn ngứa, dị ứng. Nhóm thực phẩm này bao gồm cá hồi, cá mòi, cá trích… có tác dụng giúp chống oxy hóa, hạn chế tình trạng dị ứng hiệu quả.
- Sữa chua: Sữa chua có tác động rất tích cực đến việc điều trị bệnh dị ứng. Nhóm thực phẩm giàu probiotic này có tác dụng chống nhiễm khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Nghệ: Bạn có thể dùng nghệ tươi hoặc bột nghệ, đây là một loại thực phẩm chống dị ứng rất tốt. Đồng thời giúp kháng viêm, diệt khuẩn, phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm.
- Hành tây và tỏi: Đây là 2 loại gia vị có chứa chất chống oxy hóa dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ bạn khỏi những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, trong hành tây còn có chất quercetin, có tác dụng ổn định màng tế bào của cơ thế, làm giảm sự nhạy cảm của chúng với các xúc tác gây dị ứng.
- Thực phẩm giàu anthocyanin: Đây là một hợp chất màu hữu cơ tự nhiên có nhiều trong các loại thực phẩm có màu sắc đỏ, tím, cam, xanh dương. Những thực phẩm này có tác dụng giảm viêm, hạn chế dị ứng, giảm thiểu tối đa tác hại có thể gặp phải.
- Uống nhiều nước: Người bệnh nên tăng cường uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình trao đổi chất, đào thải các độc tố ra ngoài cơ thể. Bên cạnh nước lọc, bạn có thể dùng thêm nước ép trái cây để bổ sung vitamin cùng nhiều dưỡng chất giúp điều trị các triệu chứng bệnh.
Một số sản phẩm cần kiêng gì?
Người bị nổi mẩn đỏ ngứa thường có làn da nhạy cảm hơn so với bình thường. Do đó người bệnh nên tránh một số loại thực phẩm có thể làm gia tăng phản ứng dị ứng trên da như:
- Hải sản: Trong hải sản có chứa nhiều histamin có thể gia tăng những triệu chứng của bệnh dị ứng, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Chính vì vậy chúng ta nên hạn chế sử dụng hải sản khi bị dị ứng.
- Thịt bò: Đây là thực phẩm chứa lượng đạm quá cao, không phù hợp với bệnh nhân bị dị ứng. Vì khi các dưỡng chất trong thịt bò vào cơ thể sẽ gia tăng phản ứng histamin, khiến cho bệnh càng nặng hơn.
- Thức ăn ngọt: Thực phẩm ngọt là những thực phẩm nên hạn chế dùng khi đang điều trị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy dị ứng. Vì chúng sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng cao dẫn đến tình trạng quá mẫn, làm cho các phản ứng dị ứng diễn ra thường xuyên hơn.
- Thức ăn mặn: Bạn nên giảm lượng muối ăn hàng ngày của mình. Vì quá nhiều muối sẽ kích thích hoạt động của dây thần kinh ngoại biên, khiến hiện tượng ngứa ngáy xảy ra thường xuyên hơn.
- Rượu, bia, các chất kích thích: Nhóm đồ uống này không những gây hại cho sức khỏe mà còn có thể gây kích ứng da. Chính vì vậy, bạn nên kiêng sử dụng trong quá trình điều trị da nổi mẩn đỏ.
Bị ngứa nổi mẩn đỏ đi khám bệnh ở đâu?
Nổi mẩn đỏ không phải là một căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, để phòng ngừa những biến chứng có thể gặp phải đối với sức khỏe, người bệnh khi phát hiện những triệu chứng bất thường trên cơ thể cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Dưới đây là một số bệnh viện chuyên thăm khám và điều trị các bệnh về da liễu người bệnh có thể tham khảo:
- Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện là tuyến cao nhất của thành phố và các tỉnh phía Nam, chuyên điều trị các bệnh liên quan đến da, bệnh phong và nhiễm khuẩn qua tình dục, trong đó có cả tình trạng nổi mẩn đỏ. Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Thông, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh: Khoa Da liễu của bệnh viện được thành lập với mục đích khám chữa và chăm sóc da chuyên sâu. Khoa luôn hướng đến vận dụng khoa học y khoa tiên tiến phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Địa chỉ: Số 215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM.
- Bệnh viện Da liễu Trung ương: Bệnh viện Da liễu Trung ương là địa chỉ khám chữa bệnh da liễu uy tín hàng đầu tại Hà Nội. Là nơi được rất nhiều bệnh nhân tin tưởng và giới thiệu cho bạn bè người thân đến khám. Do đó nếu bạn đang gặp những rắc rối về tình trạng nổi mẩn đỏ thì hoàn toàn có thể đến đây khám bệnh. Địa chỉ: Số 15A đường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh Viện Da Liễu Hà Nội: Bệnh viện Da liễu Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của thành phố, có chức năng khám chữa các bệnh da liễu cho cả người lớn và trẻ em, trong đó có cả tình trạng nổi mẩn đỏ. Địa chỉ: Số 79B đường Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Phòng khám số 1 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là nơi hội tụ đông đủ các bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, giúp bạn điều trị tận gốc tình trạng nổi mẩn đỏ trên da. Địa chỉ: Nhà A5, số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Phòng ngừa tình trạng nổi mẩn đỏ trên da và ngứa
Khi bị mẩn đỏ và ngứa da, ngoài việc tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp dưới đây để cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.
- Uống nhiều nước để cung cấp độ ẩm cho da, giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Trung bình một người trưởng thành cần sử dụng ít nhất 2.5-3 lít nước.
- Bổ sung thêm nhiều loại rau xanh và trái cây tươi vào các bữa ăn hàng ngày để cung cấp thêm nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch nói chung và sức khỏe làn da nói riêng.
- Dưỡng ẩm da hàng ngày, sau khi tắm cần lau khô da rồi mới mặc quần áo để tránh gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
- Nên hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm. Nhất là với những loại kem bôi không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Dùng kem chống nắng hàng ngày, đồng thời che chắn kỹ trước khi ra nắng hoặc đến những nơi có không khí ô nhiễm.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe.
- Nên vệ sinh cơ thể hàng ngày để làn da luôn sạch sẽ, nhằm loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
- Không mặc quần áo bó sát, nên lựa chọn những loại trang phục rộng rãi, làm bằng chất liệu cotton có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.
- Tuyệt đối không được sử dụng các loại dung dịch vệ sinh mang tính tẩy rửa mạch. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những sản phẩm dịu nhẹ, có thành phần lành tính.
- Nếu bạn là người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng thì nên hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như khói bụi, phấn hoa, lông động vật…
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe để phát hiện các bệnh lý về gan thận, từ đó có được phương pháp điều trị bệnh kịp thời.
Trên đây là một số thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa hiện tượng nổi mẩn đỏ trên da. Hy vọng bệnh nhân sẽ có thêm kiến thức về căn bệnh này để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Nếu có triệu chứng nổi mẩn đỏ trên da và ngứa, tốt nhất người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!