[Giải Đáp Chi Tiết] Có Nên Thay Khớp Gối Nhân Tạo Không?
Trong trường hợp các khớp gối bị tổn thương, hư hỏng nặng nề và những phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như mong muốn, phẫu thuật sẽ được chỉ định. Vậy có nên thay khớp gối nhân tạo không, quy trình thực hiện hiện như thế nào và chi phí khoảng bao nhiêu? Tất cả những thông tin này sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết ngay trong bài viết sau đây.
Thay khớp gối nhân tạo là gì?
Khi khớp gối nhân tạo bị tổn thương, các biện pháp điều trị nội khoa không đạt kết quả khả quan, các triệu chứng bệnh không thuyên giảm và không thể phục hồi chức năng của khớp gối.
Lúc này, thay khớp gối nhân tạo được xem là một phương pháp chữa bệnh tối ưu giúp sửa chữa khớp gối bị hư hỏng nặng nề và nghiêm trọng.
Khớp gối nhân tạo toàn phần được thay thế bao gồm ba thành phần chính: Phần lồi đầu đùi, phần mâm chày, mảnh chèn nằm giữa hai phần trên.
Hiện nay, có ba loại khớp gối nhân tạo thường được sử dụng bao gồm khớp gối nhân tạo không hạn chế, khớp gối nhân tạo hạn chế một phần và khớp gối nhân tạo hạn chế toàn phần.
Phụ thuộc vào tình trạng khớp gối hư hại ở mức độ nặng hay nhẹ của từng đối tượng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại khớp gối thay thế cho phù hợp.
Trong đó, khớp gối nhân tạo không hạn chế là loại được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh hư khớp gối hiện nay. Loại này bao gồm hai loại chính là khớp gối nhân tạo xoay được và không xoay được. Nếu bệnh nhân được chăm sóc và theo dõi thường xuyên thì tuổi thọ của khớp gối nhân tạo có thể đạt đến 15 năm.
Tất cả những người trưởng thành hiện nay đều có thể được bác sĩ cân nhắc thay khớp gối nhân tạo nếu khớp gối bị tổn thương và không thể điều trị bằng những phương pháp khác. Hiện nay, người trong độ tuổi 60 – 80 có xu hướng thay khớp gối nhân tạo rất nhiều.
Có nên thay khớp gối nhân tạo không?
Chắc chắn, khi mắc các bệnh lý nghiêm trọng ở khớp gối, người bệnh sẽ thắc mắc có nên thay khớp gối nhân tạo không.
Thay khớp gối nhân tạo được xem là một biện pháp tối ưu nhất dành cho những người mắc bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp nặng và không thể điều trị. Phương pháp này thường được chỉ định sau khi đã điều trị qua nội khoa, uống thuốc giảm đau, vật lý trị liệu nhưng không đạt hiệu quả.
Ưu điểm của thay khớp nhân tạo là giúp điều chỉnh những biến dạng khớp, cải thiện những cơn đau nhức, tránh nguy cơ bị bại liệt, tàn tật đồng thời giúp bệnh nhân có thể sinh hoạt và đi lại bình thường.
Hơn nữa, phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo ít gây ra những tổn thương về phần mềm ở xung quanh khớp và giảm được nguy cơ nhiễm trùng khớp khi điều trị.
Khi áp dụng phương pháp này, người bệnh có thể giảm được thời gian nằm viện so với các phương pháp phẫu thuật khác, giúp giảm đau, mau hồi phục và ổn định sức khỏe xương khớp.
Tuy nhiên, nhược điểm của khớp gối mới là khi sử dụng quá lâu, khớp gối sẽ bị hư hại. Vì thế, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng tuổi thọ của khớp để cân nhắc tiến hành thay khớp gối lần hai nếu cần thiết.
Khi nào bệnh nhân nên thay khớp gối nhân tạo?
Trước khi tiến hành phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám bệnh. Thay khớp gối nhân tạo sẽ được chỉ định trong những trường hợp như sau:
- Bệnh nhân bị đau khớp gối ở mức độ nghiêm trọng.
- Khớp gối bị ăn mòn làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và suy giảm chức năng hoạt động ở khớp gối.
- Đau khớp gối kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Phần sụn ở khớp gối bị tổn thương nặng nề và các cách điều trị nội khoa không đạt hiệu quả.
- Tình trạng sụn khớp gối bị tổn thương do dính khớp, viêm khớp, chấn thương nặng.
- Các bệnh lý khác ảnh hưởng nhiều lên khớp gối như gout, rối loạn đông máu…
- Người bệnh chụp X quang và phát hiện đầu gối bị hư hại nhiều mặc dù không đau hay chỉ bị đau ít.
Một số thông tin cần biết khi thay khớp gối nhân tạo
Khi được chỉ định thay khớp gối nhân tạo, chắc chắn nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng và thắc mắc. Vì thế, bạn hãy tham khảo thông tin dưới đây để nắm được quy trình thay khớp gối.
Chuẩn bị gì trước khi thay khớp gối?
Trước khi phẫu thuật thay khớp gối, bệnh nhân cần được thăm khám và chuẩn bị một số vấn đề như sau:
- Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng để xác định được mức độ tổn thương khớp gối và tình trạng sức khỏe. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá được nguy cơ biến chứng của bệnh.
- Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một số những xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp X quang, điện tâm đồ, chụp cắt lớp…
- Người bệnh cần đọc kỹ và ký các xác nhận tất cả các biên bản cam kết đồng ý chữa bệnh.
- Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng dùng thuốc của bệnh nhân trước đó. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết cho bệnh nhân về cách dùng thuốc trước, trong và sau phẫu thuật.
- Khi thiết lập đầy đủ hồ sơ bệnh án, bác sĩ sẽ tiến hành khám gây mê. Các bác sĩ sẽ xem xét và lựa chọn cách thức gây mê hay gây tê cho bệnh nhân.
- Khi có các ổ viêm nhiễm tại vùng khớp, người bệnh sẽ được điều trị trước. Nếu da tại khớp gối bị trầy, xây xát thì cần được xử lý trước khi phẫu thuật.
Quy trình phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn 6 tiếng trước khi tiến hành mổ. Khi trong dạ dày còn thức ăn, bệnh nhân rất dễ bị sặc và ngưng thở khi điều trị.
Các bước thay khớp gối nhân tạo sẽ được tiến hành như sau:
- Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tủy sống hoặc gây mê cho bệnh nhân
- Bác sĩ sẽ rạch một đường dọc ở giữa gối từ phần lồi của xương chày kéo dài tới trên xương bánh chè. Vết mổ dài khoảng 10 – 15 cm.
- Mở khớp gối và tiến hành cắt bỏ các phần khớp sụn bị tổn thương.
- Sau đó, bác sĩ sẽ cắt các lát cắt tạo hình và đặt khớp nhân tạo vào bên trong.
- Bác sĩ sẽ kiểm tra độ chính xác cũng như đặt khớp có vừa, có vững hay không.
- Một ống dẫn lưu sẽ được đặt từ trong khớp ra rồi khâu lại vết mổ.
- Sau 48 tiếng, ống dẫn lưu này sẽ được rút ra.
Phục hồi sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, khớp gối nhân tạo cần có thời gian để tái tạo, phục hồi các chức năng sinh hoạt bình thường. Người bệnh có thể giúp khớp gối hồi phục nhanh chóng bằng các biện pháp chăm sóc như sau:
- Chăm sóc vết mổ: Các mũi khâu trên vết thương sẽ được bác sĩ loại bỏ sau 2 tuần phẫu thuật. Bệnh nhân nên tránh để vết mổ tiếp xúc với nước và đảm bảo sự sạch sẽ trên bề mặt vết mổ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể hỏi ý kiến bác sĩ băng kín vết thương để hạn chế nhiễm trùng.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Trong quá trình hồi phục, người bệnh nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của mình như omega 3, canxi, sắt… Các chất này giúp xương chắc khỏe và tăng khả năng phục hồi. Người bệnh hạn chế ăn các loại thịt đỏ, gạo nếp… vì dễ gây mưng mủ khiến vết mổ lâu hồi phục.
- Tập thể dục: Khi mới phẫu thuật xong người bệnh không nên tập luyện thể dục và vận động mạnh làm tổn thương khớp gối. Thay vào đó, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn và đợi khớp gối ổn định trong cơ thể. Sau khi khớp mới ổn định, bạn có thể lựa chọn tập một vài bài tập nhẹ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chăm sóc bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật là rất cần thiết. Tuy nhiên, chăm sóc như thế nào là đúng cách và phù hợp, bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị.
Biện pháp phòng ngừa biến chứng sau phẫu thuật
Theo nghiên cứu, khả năng gặp phải những biến chứng ở khớp gối sau phẫu thuật là khá thấp, nhưng không phải là không có. Một số những biến chứng thường gặp như nhiễm trùng khớp, đau tim, có nguy cơ đột quỵ.
Để ngăn ngừa các biến chứng xảy đến, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:
- Phòng ngừa nhiễm trùng khớp
Nhiễm trùng khớp là một trong những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật. Lúc này, vi khuẩn có điều kiện thuận lợi xâm nhập vào máu thông qua nhiễm trùng da. Theo đó, nếu có nguy cơ bị nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh trước khi phẫu thuật.
Bên cạnh đó, sau khi thay thế khớp gối, người bệnh cần chú trọng chăm sóc vết mổ để hạn chế nguy cơ vi khuẩn xâm nhập.
Không chỉ nhiễm trùng vết thương, người bệnh còn có nguy cơ bị nhiễm trùng trong khớp gối nhân tạo. Do đó, bệnh nhân nên chú ý đến những triệu chứng bất thường ở khớp gối để thăm khám kịp thời.
- Ngăn ngừa nguy cơ trật khớp
Trong những tuần đầu sau khi phẫu thuật, nếu bất cẩn bị té ngã, va đập, khớp gối mới sẽ dễ bị hỏng và trật khớp. Chính vì thế, bệnh nhân không nên đi lại quá nhiều hoặc vận động mạnh trong thời gian gian này. Nếu phải di chuyển, bạn nên nhờ người thân giúp đỡ.
Bên cạnh đó, nguy cơ trật khớp có thể xuất hiện khi xương khớp bị yếu hoặc do các yếu tố tác động bên ngoài. Nếu bệnh nhân bị trật khớp nhẹ, bác sĩ sẽ dùng nẹp cố định khớp. Đối với trường hợp bị trật khớp nặng, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật lần hai.
- Ngăn ngừa nguy cơ cục máu đông
Sau khi phẫu thuật khớp gối, máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch, máu sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
Để hạn chế nguy cơ này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc chống đông máu trước và sau khi phẫu thuật. Bên cạnh đó, bạn cần báo ngay cho bác sĩ nếu bản thân có tiền sử mắc bệnh huyết khối.
- Ngăn ngừa các biến chứng khác
Chấn thương xương khớp, tổn thương thần kinh và mạch máu có thể là những biến chứng xảy ra sau khi phẫu thuật. Các biến chứng này rất khó phòng ngừa vì thế bệnh nhân cần phải chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, bạn cần thực hiện những hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình phẫu thuật và kịp thời phát hiện những biến chứng để điều trị ngay lập tức.
Chi phí thay khớp gối nhân tạo? Nên thực hiện ở đâu tốt?
Thông thường, chi phí thay khớp gối nhân tạo sẽ dao động từ 40.000.000 – 80.000.000 đồng. Chi phí này sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Kỹ thuật áp dụng, loại khớp gối phẫu thuật.
- Tình trạng bệnh nặng hay nhẹ.
- Cơ sở thực hiện phẫu thuật.
- Điều trị các bệnh lý liên quan.
Do đó, để biết chính xác chi phí phẫu thuật là bao nhiêu, bệnh nhân nên đến thăm khám trực tiếp tại các cơ sở y tế uy tín.
Hiện nay, có rất nhiều bệnh viện và phòng khám chuyên khoa uy tín thực hiện thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân.
Một số bệnh viện uy tín tại Hà Nội và TPHCM mà bạn có thể tìm đến thăm khám là: Bệnh viện Đại học y dược, Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức…
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các phòng khám tư nhân chuyên khoa uy tín để theo dõi và điều trị các bệnh lý về xương khớp.
Thông qua chia sẻ trên, bệnh nhân đã phần nào giải quyết được thắc mắc có nên thay khớp gối nhân tạo không. Cùng với đó, người bệnh nên lựa chọn những cơ sở thăm khám uy tín để điều trị và phẫu thuật, hạn chế những rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe bản thân.
Click đọc ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!