Nổi Mẩn Đỏ Ngứa Ở Chân Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân là hiện tượng thường gặp ở nhiều người. Mặc dù tình trạng bệnh này chỉ gây tổn thương ngoài da, nhưng lại khiến cho người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu và luôn trong trạng thái bứt dứt, muốn gãi. Hiện tượng này nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng chân nổi mẩn đỏ ngứa, bạn đọc hãy dành ít phút để theo dõi bài viết dưới đây.
Nổi mẩn đỏ ngứa ở chân là dấu hiệu đang mắc bệnh gì?
Với bất kỳ bệnh lý nào, việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cũng là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi chỉ khi biết được nguyên nhân, chúng ta mới có thể xác định được hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Trên thực tế, phần lớn các trường hợp bị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân đều có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Nhưng một số bệnh nhân khác có thể sẽ phải chịu đựng sự khó chịu do tình trạng này gây ra trong suốt nhiều tuần sau đó. Điều này tùy thuộc vào bệnh lý mà bạn đang mắc phải.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới hiện tượng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân:
Do viêm nang lông
Viêm nang lông là tình trạng người bệnh bị viêm nhiễm ở các nang lông. Tại khu vực bị nhiễm bệnh thường xuất hiện các nốt mẩn đỏ, có biểu hiện giống với vết côn trùng cắn. Khi viêm nang lông phát triển mạnh sẽ sẽ lan dần ra tạo thành một khoảng lớn và xuất hiện tại nhiều vị trí da, trong đó có khu vực đùi, cẳng chân và bàn chân.
Viêm da tiếp xúc
Bệnh viêm da tiếp xúc cũng có thể gây ra hiện tượng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Đây là phản ứng khi bạn vô tình tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như chất tẩy rửa, nước hoa, xà phòng, lông chó mèo, phấn hoa, bụi bẩn,…. Triệu chứng điển hình của căn bệnh này đó là xuất hiện các nốt mẩn đỏ, phồng rộp, ngứa ngáy, đau rát,… Nếu vị trí tiếp xúc ở chân thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng chân bị nổi mẩn đỏ và ngứa.
Bệnh chàm
Những người mắc bệnh chàm eczema cũng thường có dấu hiệu bị nổi mẩn đỏ ngứa ở tay và chân. Đối tượng thường gặp nhất của bệnh lý này là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi trẻ lớn hơn thì căn bệnh này sẽ có xu hướng giảm dần đi. Tuy nhiên, vào thời điểm bị bệnh, trẻ sẽ luôn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và đau rát. Vì vậy các bậc phụ huynh cũng nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để tìm các điều trị nhanh nhất.
Nổi mề đay mẩn ngứa
Theo các chuyên gia cho biết, bệnh mề đay mẩn ngứa xuất hiện do các tác nhân bên trong hoặc bên ngoài cơ thể gây ra. Khi cơ thể gặp phải các chất gây kích ứng sẽ nhanh chóng sản sinh ra histamin, khiến các mạch máu nhỏ bị rò rỉ các chất lỏng và tích tụ lại dưới da. Điều này có thể giải thích vì sao khi bị mề đay, người bệnh lại thường xuất hiện các vết tê bì, ngứa ngáy và rất nóng rát. Thông thường, bệnh mề đay khởi phát đột ngột, tiến triển rất nhanh và tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên đối với những người bị mề đay mãn tính, tổn thương da có thể phát triển âm ỉ và kéo dài hàng tháng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Bệnh ghẻ
Ghẻ chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa tay chân. Đây là một dạng nhiễm trùng do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra. Loại ký sinh trùng gây bệnh này thường sinh sống ở lớp thượng bì da, sau đó xâm nhập vào cấu trúc da để đào hang và đẻ trứng. Cách để phân biệt ghẻ với bệnh lý da liễu khác đó chính là các vết mẩn ngứa thường có xu hướng lan nhanh, nổi mẩn đỏ và có dịch nhầy bên trong.
Bệnh tổ đỉa
Những người đang mắc bệnh tổ đỉa thường gặp phải tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân, tay do các hạt mụn nước li ti gây ra. Khi các vết mụn này vỡ ra, người bệnh sẽ có cảm giác đau rát khi chạm vào. Thông thường bệnh tổ đỉa sẽ khỏi sau 2-4 tuần phát bệnh. Nếu người bệnh bị ở chân thì tình trạng này có thể sẽ nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Bởi vì chân thường di chuyển liên tục, rất dễ ra mồ hôi hoặc tiếp xúc với nước, đất cát, bụi bẩn.
Bệnh lichen phẳng
Lichen phẳng hay còn được gọi với cái tên khoa học là Lichen planus, cũng có biểu hiện là nổi mẩn đỏ ở chân ngứa. Lúc này, trên da của người bệnh sẽ xuất hiện các mảng da sưng đỏ. Khi chạm vào sẽ thấy cứng, căng bóng và có thể kèm theo các vết bầm tím. Bệnh lý này được xếp vào nhóm bệnh rối loạn tự miễn và không có khả năng lây nhiễm. Các triệu chứng có thể xuất hiện tại bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể như ngực, cổ tay, bụng, lưng, chân, đùi, mắt cá,…
Nấm chân
Nấm da chân khiến vùng da bị bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Người bệnh thường xuất hiện các nốt mẩn đỏ kèm theo các mụn nước nhỏ li ti, rỉ dịch, ngứa ngáy, đau rát, chảy máu,… Sau một thời gian những tổn thương da này sẽ chuyển sang hình thái khô ráp và bong tróc. Bệnh nấm da chân đặc biệt phát triển ở những khu vực như kẽ chân do hoạt động bài tiết mồ hôi quá mức, người bệnh đi giày tất quá chật hoặc mắc các bệnh như tiểu đường, suy giảm miễn dịch.
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh Lupus ban đỏ thuộc nhóm bệnh tự miễn, do hệ thống miễn dịch của người bệnh không còn khả năng phân biệt giữa các dị nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Nếu để bệnh kéo dài có thể gây tổn thương tới cơ quan nội tạng và hệ xương khớp… Bệnh lý thường xuất hiện dấu hiệu như chân nổi hột đỏ ngứa kèm theo tình trạng sốt, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, thậm chí mất khả năng nhận thức tạm thời.
Bệnh vảy nến
Vảy nến thuộc top các bệnh lý về da mãn tính thường xuất hiện chủ yếu ở các kẽ ngón chân, móng chân, đầu gối,… Người bệnh bị mắc phải căn bệnh này sẽ có các dấu hiệu như: Da chân xuất hiện mảng trắng đục, có cảm giác ngứa ngáy dữ dội, xuất hiện mụn mủ ở da chân. Tuy nhiên một số trường hợp bị vảy nến ở chân nhưng lại không gây ngứa.
Mắc các bệnh lý về gan
Các vấn đề như suy giảm khả năng lọc thải gan hay nóng gan cũng có thể xảy ra tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Điều này được giải thích là do độc tố trong cơ thể bị ứ đọng lâu ngày, không được bài tiết hết ra ngoài nên làm ảnh hưởng đến da. Triệu chứng điển hình của các bệnh lý về gan đó là da vàng, mắt vàng, nổi mẩn đỏ khắp người, trong đó có cả khu vực chân. Để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất để hỗ trợ tăng cường chức năng gan, giúp gan thải độc được tốt hơn.
Mắc các bệnh lý khác
Ngoài các bệnh nêu trên, người bệnh cũng có thể bị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân do một số bệnh lý khác như sốt phát ban, chân tay miệng, dị ứng thuốc…. Tuy nhiên phần lớn những trường hợp này chỉ gây nổi mẩn đỏ trên da, không gây ngứa và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bên cạnh đó, nổi mẩn ngứa ở chân có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như u lympho, viêm tuyến giáp thậm chí là ung thư da.
Nổi mẩn ngứa ở chân có gây nguy hiểm không?
Khi gặp phải tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân, mọi người đều mong muốn nhanh chóng tìm cách chữa trị để chấm dứt tình trạng khó chịu này. Nhiều người thường hay có thói quen dùng tay gãi ngứa. Tuy nhiên hành động này lại vô tình khiến cho những tổn thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ bị bội nhiễm.
Mặt khác, tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Điều này dễ gây nhầm lẫn và dẫn đến lựa chọn sai phương pháp điều trị. Do đó, tốt nhất khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chữa trị ngay từ đầu. Nhất là khi bạn gặp các dấu hiệu như sau:
- Tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân, tay kéo dài dai dẳng nhiều tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Trên da xuất hiện các mụn nước, nhọt nhỏ li ti, đốm đỏ, có thể ngứa hoặc không.
- Cơ thể bị sốt, cảm giác mệt mỏi, uể oải, chán ăn, da kém sắc.
- Những tổn thương trên da có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng tấy, lở loét lan rộng.
Giải pháp điều trị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân hiệu quả
Trong trường hợp xác định nguyên nhân gây bệnh ngứa mẩn đỏ ở chân là gì, bạn có thể tham khảo và áp dụng các biện pháp điều trị sau đây:
Sử dụng một số mẹo dân gian
Các mẹo dân gian được cho là có tác dụng hiệu nghiệm đối với các trường hợp bị nổi mẩn ngứa ở chân có nguyên nhân từ bệnh lý da liễu. Đặc điểm của phương pháp này rất an toàn, lành tính, có tác dụng điều trị khi bệnh mới khởi phát hoặc hỗ trợ điều trị khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.
Bạn có thể tham khảo một số mẹo dân gian chữa nổi mẩn đỏ ở chân sau đây:
Cây lô hội: Nha đam (lô hội) là loại cây có chứa nhiều dưỡng chất để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trong thành phần của nha đam có chứa nhiều hoạt chất chống viêm như vitamin, chất chống oxy hóa, chromone C-glucosyl, axit salixylic và enzyme bradykinase – một loại kinin huyết tương. Do đó, nha đam có tác dụng ức chế quá trình sản sinh axit của cơ thể, giúp ngăn ngừa sưng viêm, mẩn ngứa, làm dịu da, chống lại ảnh hưởng của tia UV, đồng thời ngăn ngừa nếp nhăn.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị một nhánh cây lô hội, cắt bỏ vỏ ngoài, rửa sạch lớp nhựa vàng và bôi lớp gel trắng đục lên trên vùng da bị tổn thương.
- Để nguyên trên da trong vòng 15-20 phút để làm giảm triệu chứng mẩn đỏ.
- Sau đó bạn chỉ cần rửa lại với nước sạch là được.
- Phương pháp này được khuyến khích thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 lần để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Lá mướp: Trong thành phần của lá mướp có chứa nhiều hoạt chất như saponin tritecpenic, flavonoid, protein, axit oleanolic, hederagenin, phosphor, beta-caroten và vitamin C…. Do đó, lá mướp có tác dụng giúp làm dịu các vết thương ngoài da, giảm sưng, tiêu viêm, làm mờ dần các sắc tố trên da, giúp da mềm mịn trắng sáng hơn.
Cách thực hiện:
- Bạn rửa sạch 2-3 lá mướp, rồi vò nát cùng với muối.
- Rửa sạch vùng da chân bị nổi mẩn đỏ, sau đó lau khô với khăn bông mềm.
- Dùng lá này đắp lên vùng da bị tổn thương trong vòng 15 phút.
- Thực hiện mỗi ngày 1 lần sẽ thấy giảm ngứa rõ rệt.
Gừng tươi: Củ gừng có chứa nhiều tinh dầu zingiberen, hoạt chất gingerol, cineol, tinh bột, chất cay, chất nhựa nên có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giảm kích ứng tại chỗ và thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương trên da. Người bệnh nên dùng nguyên liệu này để giúp giảm ngứa và tăng cường hàng rào bảo vệ da một cách triệt để.
Cách thực hiện:
- Gừng tươi gọt vỏ, rửa sạch, thái thành những lát mỏng và đem đi giã nát.
- Sau đó dùng nước cốt gừng và thêm với nước để đắp trực tiếp lên da chân.
- Do gừng rất nóng nên bạn chỉ cần đắp mỗi lần khoảng 10 phút là đủ.
- Mỗi tuần thực hiện khoảng 3-4 lần để cải thiện tình trạng bệnh.
Lá khế: Theo các nghiên cứu, trong thành phần của lá khế có chứa alkaloid, flavonoid, steroid, triterpene, đường khử, saponin và tanin. Có tác dụng kháng viêm, giảm sưng, được ứng dụng nhiều trong điều trị chứng mề đay mẩn ngứa.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị một nắm lá khế, rửa sạch và đem đun sôi với 1 lít nước.
- Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa và đun thêm khoảng 10 phút nữa cho các dược chất trong lá khế được tiết ra.
- Pha nước lá khế với một ít nước lạnh để ngâm rửa chân.
- Phần bã khế bạn tận dụng để chà xát lên vùng da bị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân trong khoảng 5 phút.
- Mỗi tuần áp dụng phương pháp này khoảng 3-4 lần sẽ thấy hiệu quả trị bệnh tích cực.
Lá trà xanh: Trà xanh có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh lý da liễu rất tốt, đặc biệt là viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, mề đay, mẩn ngứa, chàm,… Thành phần chống oxy hóa trong lá trà xanh khi đi vào cơ thể sẽ giúp giảm viêm, kháng khuẩn và bảo vệ vùng da bị mẩn ngứa khỏi sự tấn công của vi khuẩn và nấm. Từ đó tình trạng ngứa ngáy, mẩn đỏ và bong tróc trên da được thuyên giảm đáng kể.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm lá trà xanh tươi, rửa sạch rồi cho vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước trong vòng 15 phút.
- Cho ít muối vào khuấy đều, sau đó đổ ra chậu và để nguội bớt. Sử dụng nước này tắm và vệ sinh vùng da bị nổi mẩn đỏ ngứa.
- Thực hiện phương pháp này 2 lần/ngày bạn sẽ thấy các dấu hiệu của bệnh được thuyên giảm đáng kể.
Chữa bị nổi mẩn đỏ ngứa ở tay chân bằng thuốc Tây y
Việc điều trị bệnh bằng thuốc Tây chủ yếu sử dụng các loại thuốc uống và bôi làm giảm triệu chứng ngứa, nổi mẩn đỏ trên da. Cách điều trị này đem lại tác dụng nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả tương đối cao. Tùy vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê cho bạn sử dụng một số loại thuốc như:
- Nhóm thuốc kháng sinh Histamin H1: Bao gồm Promethazin, Cetirizine, Loratadine, có tác dụng giảm cơn ngứa, ngăn ngừa tình trạng sưng viêm.
- Thuốc corticoid dạng uống hoặc tiêm: Được dùng trong trường hợp bị mẩn đỏ nghiêm trọng. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc này trong thời gian dài.
- Thuốc kháng sinh Aczone: Dùng trong trường hợp vùng da nổi mẩn ở chân bị nhiễm trùng, hỗ trợ giảm viêm sưng
- Kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm như A-derma, Eucerin, Bioderma, Vaseline, Phenergan và Eumovate.… đều có chứa thành phần lành tính, được sử dụng để làm dịu các kích ứng trên da.
Việc sử dụng thuốc Tây điều trị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân cần tuân theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng sử dụng vì có thể làm tăng nguy gặp phải các tác dụng phụ đi kèm. Đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và sau sinh, người có tiền sử bị dị ứng càng nên cẩn trọng khi dùng thuốc.
Dùng thuốc Đông y trị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân
Trong Đông y, nhiều bài thuốc được bào chế từ nhiều loại dược liệu tự nhiên có khả năng đẩy lùi chứng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân hiệu quả. Các bài thuốc cổ truyền ấy thường được lưu lại trong các cuốn sách cổ, được ông bà ta áp dụng và lưu truyền từ bao đời nay.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y hiệu quả bạn có thể tham khảo:
Bài thuốc thứ nhất:
- Chuẩn bị: 90g ngải cứu, 30g phòng phong, 6g hoa tiêu, 6g hùng hoàng.
- Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu trên, sắc với 3 lít nước trong vòng 15 phút. Xông thuốc ở vùng bị mẩn ngứa trong vài phút. Sau đó dùng nước này để ngâm rửa vùng da đang bị tổn thương. Thực hiện bài thuốc Đông y này 2 lần/ngày sẽ thấy có tác dụng trị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân rất tốt.
Bài thuốc thứ hai:
- Chuẩn bị: 30g đương quy, 30g khổ sâm, 20g bạc hà, 10g băng phiến, 20g sà sàng tử, 30g hoàng tinh, 30g thấu cốt tử thảo, 20g bạch tiên trì, 15g hoa tiêu, 30g địa phu tử.
- Cách thực hiện: Làm sạch các nguyên liệu, sau đó sắc cùng với 5 lít nước trong vòng 20 phút, sau đó gạn bỏ bã. Hòa thuốc với nước lạnh để tạo thành nước ấm. Dùng nước này ngâm rửa vùng da bị mẩn ngứa mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 phút.
Bài thuốc thứ ba:
- Chuẩn bị: 30g kinh giới, 20g cam thảo, 15g phèn phi, 20g sà sàng tử, 30g khổ sâm, 30g địa phu tử, 30g đại phi dương, 20g đại hoàng, 20g địa du.
- Cách thực hiện: Sắc các vị thuốc trên với 4 lít nước trong vòng 20 phút. Gạn bỏ bã, giữ lại phần nước thuốc. Hòa thêm với nước nguội và ngâm rửa vùng da bị nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Ngâm khoảng 30 phút thì rửa sạch với nước mát. Mỗi ngày thực hiện ngâm rửa 2 lần sẽ giúp tiêu phong, thanh nhiệt, táo thấp.
Bài thuốc thứ tư
- Chuẩn bị: 20g phòng phong, 30g khổ sâm, 20g đương quy, 20g sà sàng tử, 20g kinh giới, 20g ngải diệp, 20g bạch tiên bì.
- Cách thực hiện: Rửa các vị thuốc trên và sắc cùng với 4 lít nước trong vòng 20 phút. Sau đó, dùng phần nước này hòa thêm với nước nguội để tạo thành nước ấm khoảng 50 độ C. Ngâm rửa vùng da bị nổi mẩn đỏ trong vòng 30 phút. Mỗi ngày thực hiện 2 lần. Nếu ngứa toàn thân thì có thể tăng liều lượng để đun thành nước tắm. Nếu dùng ở trẻ em thì giảm liều lượng và pha nước nguội hơn.
Bài thuốc thứ năm:
- Chuẩn bị: 100g bạch tật lê, 100g thương nhĩ tử, 200g dạ giao đằng, 20g bạch tiên bì, 20g thuyền thoái, 20g sà sàng tử.
- Cách thực hiện: Sắc các vị thuốc với 5 lít nước sạch, đun sôi trong vòng 20 phút. Sau đó, lọc bỏ phần bã, giữ lại nước thuốc. Hòa thêm với nước nguội cho nhiệt độ ấm vừa phải. Ngâm rửa vùng da bị mẩn đỏ ngứa ở chân trong nước thuốc để trị bệnh. Thời gian ngâm rửa không được quá 30 phút. Mỗi ngày bạn nên thực hiện phương pháp này 2 lần. Lưu ý, tùy vào diện tích của vùng tổn thương mà người dùng điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
Lưu ý khi thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà
Các biện pháp chăm sóc da tại nhà đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới mức độ nặng nhẹ của bệnh và thời gian phục hồi của làn da. Thậm chí, khi bệnh chưa khởi phát thì đây cũng là cách phòng ngừa nổi mẩn đỏ ngứa ở chân khá hiệu quả.
Một số vấn đề quan trọng người bệnh cần lưu ý sau đây:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân có khả năng gây dị ứng cao như nước hoa, chất tẩy rửa, côn trùng, mủ thực vật, phấn hoa, hóa chất, bụi bẩn,…
- Khi đi giày nên lựa chọn loại tất có độ thấm hút tốt, hoặc tốt nhất hãy đi sandals hoặc dép để giúp da chân thông thoáng, hạn chế đổ mồ hôi, giảm mức độ viêm nhiễm, ngứa ngáy.
- Hạn chế cào gãi, chà xát da và không nên mặc quần áo bó sát người. Đặc biệt là những loại trang phục có chất liệu thô cứng, không có khả năng thấm hút mồ hôi khiến da bị tổn thương.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là các kẽ chân bằng nước ấm hoặc nước muối để loại bỏ vi khuẩn, tế bào chết, bụi bẩn tránh gây viêm nhiễm.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa các thành phần hóa học dễ gây kích ứng và mẫn cảm cho da.
- Vào mùa hanh khô bạn nên thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm để tránh khô và kích ứng da.
- Chú ý ăn nhiều rau củ quả tươi và uống đủ nước để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ở chân. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh lý này. Từ đó có thể dễ dàng nhận biết nguyên nhân và triệu chứng của bệnh, giúp việc điều trị trở nên đơn giản, hiệu quả hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!