Liệu Pháp Oxy: Cơ Chế, Đối Tượng, Cách Áp Dụng Và Một Số Hạn Chế
Liệu pháp oxy là một phương pháp y khoa cấp cứu và hỗ trợ đường thở cho bệnh nhân thông qua ống nối và mặt nạ chuyên dụng. Hãy cùng VNMedipharm tìm hiểu chi tiết về bản chất, cơ chế, đối tượng cũng như các nguyên tắc áp dụng và một số hạn chế của liệu pháp này trong bài viết sau đây.
Liệu pháp oxy là gì?
Liệu pháp oxy chính là phương pháp ứng dụng trong y học nhằm cung cấp khí thở cho người mắc bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là các ca bệnh suy hô hấp. Bệnh nhân sẽ được thở với nồng độ oxy trong không khí lớn hơn 21%.
Trong môi trường bình thường, không khí có thành phần gồm cacbonic 0,03%, ni-tơ 79,02% và oxy 20,95%. Nhờ tỷ lệ này, con người có thể hít thở, sinh sống nhưng một số bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu oxy, làm ảnh hưởng hoạt động cũng như sự phát triển của các tế bào, cơ quan trong cơ thể. Vậy nên, liệu pháp thở oxy sẽ được chỉ định để thực hiện duy trì hoạt động sống bình thường cho bệnh nhân.
Tỷ lệ các khí trong không khí ở môi trường bình thường phù hợp với nhu cầu sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp, do nhiều nguyên nhân khác nhau (chẳng hạn như đường hô hấp gặp chướng ngại, lồng ngực hạn chế thể tích,…) mà bệnh nhân có thể lâm vào tình trạng thiếu oxy.
Thiếu oxy sẽ làm tổn thương các mô của cơ thể nhất là các mô có vai trò quan trọng cho sức khỏe của các tế bào não,… Bởi thế mà việc sử dụng liệu pháp thở oxy trong những trường hợp nói trên là hết sức cần thiết.
Vai trò của liệu pháp oxy
Liệu pháp oxy đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh về hô hấp. Trong đó có bệnh viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc được sử dụng cho các bệnh nhân thở không hiệu quả,… Tuy vậy liệu pháp này cần được thực hiện theo chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể của các chuyên gia y tế, bất luận thực hiện tại bệnh viện hay tại nhà.
Chính vì thế, bệnh nhân cũng như người thân cần nắm rõ thông tin cơ bản về liệu pháp oxy để có thể thực hiện hiệu quả, chính xác và đúng quy trình. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn và tính mạng cho bệnh nhân nên cần hết sức lưu ý.
Đối tượng nào cần sử dụng?
Có không ít trường hợp, bệnh nhân mắc bệnh về phổi như tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phế quản, viêm phổi hoặc thở không hiệu quả đều lâm vào tình trạng thiếu oxy. Tình trạng này trên lâm sàng đều được xem là biểu hiện của suy hô hấp.
Suy hô hấp là tình trạng biến đổi chức năng hô hấp, quá trình hô hấp bị rối loạn với các biểu hiện lâm sàng như khó thở, mặt mũi tím tái. Các biểu hiện cận lâm sàng dễ nhận biết khác là biến đổi về nồng độ O2, CO2 trong máu. Tùy theo mức độ suy hô hấp nặng hoặc nhẹ mà người bệnh sẽ có những biểu hiện như sau:
- Khó thở là triệu chứng đầu tiên và bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu do thiếu dưỡng khí, biểu hiện bằng những biến đổi về nhịp thở, độ sâu cũng như độ gắng sức trong hô hấp.
- Người bệnh có biểu hiện lo âu hốt hoảng, bồn chồn.
- Vật vã, kích thích.
- Giảm thị lực.
- Ý thức lơ mơ, lộn xộn, xa xăm.
- Giảm trương lực cơ cũng như làm giảm khả năng liên kết, phối hợp của các nhóm cơ.
Khi bệnh nhân gặp phải tình trạng suy hô hấp sẽ trải qua những quá trình khác nhau, cụ thể như:
- Trong giai đoạn đầu: Mạch, huyết áp và tần số hô hấp tăng, tần số tim tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể.
- Giai đoạn muộn: Bệnh nhân có những biểu hiện như thở dốc, tím tái, co kéo các cơ hô hấp, huyết áp và mạch giảm.
- Cận lâm sàng: Qua các xét nghiệm, phân tích khí trong máu động mạch sẽ thấy áp lực oxy (PaO2) giảm, độ bão hòa oxy (SpO2) giảm.
Do đó, khi bệnh nhân xuất hiện những tình trạng suy hô hấp kể trên, cá bác sĩ cần xem xét, cân nhắc để bệnh nhân được sử dụng liệu pháp oxy.
Hướng dẫn sử dụng liệu pháp oxy
Để sử dụng liệu pháp oxy mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, y tá. Cách sử dụng và những nguyên tắc cần biết của liệu pháp thở oxy như sau:
Nguyên tắc sử dụng
Nếu không muốn gặp các rắc rối và làm ảnh hưởng tới sức khỏe thì việc sử dụng liệu pháp thở oxy cần tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản như sau:
- Sử dụng đúng liều lượng: Phương pháp này cần được sử dụng theo đúng chỉ định về liều lượng thích hợp. Chúng ta cần sử dụng lưu lượng oxy tối thiểu để đạt được hiệu quả mong muốn, tránh sử dụng oxy quá liều cao vì chúng có thể gây ngộ độc oxy.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn: Trong quá trình sử dụng liệu pháp oxy thì khả năng nhiễm khuẩn sẽ cao hơn. Bởi vi khuẩn thường phát triển nhanh trong môi trường oxy, từ đó chúng dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp đang bị tổn thương. Để hạn chế cũng như phòng tránh nhiễm khuẩn cho người bệnh thì bác sĩ cần đảm bảo vô khuẩn dụng cụ sau mỗi lần thở như thay ống thông, làm vệ sinh miệng cho người bệnh.
- Phòng tránh khô đường hô hấp: Thường thì các bình cung cấp oxy là khí khô nên rất dễ làm các tế bào niêm mạc đường hô hấp bị khô. Do đó, khí oxy thở vào cần được làm ẩm bằng các dung dịch vô khuẩn. Lưu ý bạn cần cho người bệnh bổ sung nước đầy đủ cho bình làm ẩm.
- Phòng chống cháy nổ: Tại khu vực bệnh nhân sử dụng liệu pháp thở oxy nên hạn chế hút thuốc, các hành động tạo nên tia lửa. Bên cạnh đó, người bệnh không được hút thuốc, sử dụng đồ dùng có thể phát lửa trong khu vực thở. Hoặc dùng dây tiếp đất với các thiết bị điện nhằm tránh phát tia lửa điện gây cháy nổ ở khu vực này.
Phương tiện cung cấp oxy
Những bệnh nhân được chỉ định dùng liệu pháp thở oxy có thể được sử dụng oxy thông qua 3 phương tiện cung cấp là ống thông mũi, lều, mặt nạ. Tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân, nồng độ oxy cần được cung cấp mà người bệnh sẽ được dùng phương pháp phù hợp.
Thở oxy qua ống thông mũi
Thở oxy qua ống thông mũi được áp dụng với những bệnh nhân bị thiếu oxy nhẹ và còn trong tình trạng tỉnh táo. Dụng cụ hỗ trợ này có ưu điểm là giúp bệnh nhân dễ tiếp nhận vì có thể ăn uống hoặc nói chuyện trong khi thở oxy.
Tuy nhiên, liệu pháp thở oxy bằng ống thông mũi lại mang tới những hạn chế như: Không thể đo được chính xác nồng độ oxy hít vào vì còn bị phụ thuộc vào kiểu thở, thể tích. Lưu lượng khí chỉ giới hạn tối đa khoảng từ 5 – 6 lít/phút.
Nếu bệnh nhân sử dụng quá liều có thể không làm tăng hiệu quả mà ngược lại còn gây nguy cơ tràn khí vào dạ dày làm căng giãn dạ dày. Đồng thời có thể gây bít tắc ống do chất liệu đường thở, khó làm ấm khí thở.
Thở oxy qua mặt nạ
Liệu pháp thở oxy qua mặt nạ thường được dùng trong những trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp hoặc khi người bệnh bị tổn thương hô hấp vùng mũi và hầu. Phương pháp thở oxy bằng mặt nạ là phương tiện cung cấp oxy có nồng độ cao hơn so với ống thông mũi, có thể lên tới 90%. Mặc dù thế, nồng độ oxy thường được bác sĩ chỉ định là không quá 60% để đảm bảo không bị ngộ độc oxy.
Thở oxy qua lều
Thở oxy qua lều được áp dụng với những người bệnh không đáp ứng với 2 kỹ thuật trên hoặc với những bệnh nhân là trẻ em. Khi sử dụng thở oxy qua lều cần lưu ý đảm bảo áp lực không khí dương tính bên trong lều, tránh trường hợp lều bị hở dẫn tới nồng độ oxy bên trong bị giảm.
Trong quá trình sử dụng, bệnh nhân phải được thường xuyên theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm để đảm bảo tích tụ khí CO2 trong liều cũng như vệ sinh lều sau khi sử dụng.
Một số hạn chế, biến chứng của liệu pháp oxy
Tuy được xem là liệu pháp hiệu quả trong điều trị suy hô hấp nhưng liệu pháp oxy có những hạn chế nhất định. Cụ thể như sau:
- Với những người bệnh bị giảm oxy do suy tuần hoàn hay thiếu máu thì phương pháp này cho hiệu quả khá thấp.
- Trong trường hợp bệnh nhân được chỉ định thông khí nhân tạo thì liệu pháp oxy không được áp dụng thay thế.
Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân không sử dụng đúng chỉ định hay liều lượng thì liệu pháp thở oxy có thể gây ra một số biến chứng như sau:
- Xẹp phổi: Trong hô hấp, khí nitơ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ không cho phép nang bị xẹp khi thở ra. Tuy nhiên nếu người bệnh thở oxy nồng độ cao sẽ khiến nitơ trong phế nang bị đẩy ra ngoài, gây xẹp phế nang và dẫn đến xẹp phổi.
- Ngộ độc oxy: Nếu như người bệnh thở oxy có nồng độ cao trên 60% và giữa trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng ngộ độc oxy.
- Bội nhiễm vi khuẩn: Khi sử dụng liệu pháp oxy, trường hợp dụng cụ thở hay bình làm ẩm, hệ thống khí dùng cho bệnh nhân không được vệ sinh đúng cách hoặc không được vô khuẩn, tiệt trùng sẽ tạo điều khiển cho vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp gây nên tình trạng bội nhiễm.
- Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: Trẻ sinh non khi thở oxy nồng độ cao sẽ có nguy cơ bị bệnh võng mạc như bong võng mạc hoặc mù lòa.
Tóm lại, để liệu pháp oxy đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh suy hô hấp, bệnh nhân cần sử dụng theo đúng chỉ định về kỹ thuật cũng như liều lượng. Ngoài ra, muốn đảm bảo an toàn thì các bạn nên lựa chọn những bệnh viện có uy tín, chất lượng để thực hiện.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!