Adrenaline Là Thuốc Gì? Cách Dùng, Liều Lượng Trong Cấp Cứu
Adrenaline còn có tên gọi là Epinephrine là một loại thuốc được sử dụng trong hồi sức và cấp cứu tại các cơ sở y tế hiện nay. Vậy cách sử dụng của thuốc này như thế nào cũng như cần lưu ý những gì khi dùng? Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm những thông tin quan trọng này qua bài viết dưới đây.
Adrenaline là gì? Công dụng và các dạng bào chế phổ biến
Adrenaline là một loại Hormone được sản sinh ra từ tuyến thượng thận và giải phóng vào máu để hoạt động như một phương tiện hóa học giúp truyền các xung thần kinh tới các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Việc chỉ định và dùng Adrenaline trong trị bệnh buộc phải do bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm chỉ định và thực hiện.
Công dụng chính của Adrenaline trong y học
Theo đó, các tác dụng phổ biến của Adrenaline được liệt kê như sau:
- Hồi sức tim phổi.
- Dùng trong cấp cứu sốc phản vệ và dạng phản vệ (bao gồm giãn mạch hệ thống và cung lượng tim thấp)
- Cấp cứu ngừng tim.
- Cơn hen ác tính (Được phối hợp cùng các loại thuốc khác như Glucocorticoid, Salbutamol).
- Glôcôm góc mở.
- Dùng tại chỗ trong dự phòng chảy máu da và niêm mạc ở mắt, mũi, miệng, họng hầu khi thực hiện phẫu thuật.
- Phối hợp với các thuốc gây tê tại chỗ và gây tê tủy sống để làm giảm thu nạp toàn thân và kéo dài thời kì tác dụng.
Các dạng bào chế thuốc Adrenalin
Adrenalin (Epinephrine) hiện có các dạng điều chế phổ biến sau:
- Dung dịch tiêm dưới dạng muối Hydroclorid với nồng độ Adrenaline 0.1mg/ml hoặc 1mg/ml.
- Dung dịch Adrenaline nhỏ mắt nồng độ 1%.
- Thuốc phun liều lượng 280 mcg Adrenaline Acid Tartrat cho mỗi lần phun.
- Dung dịch khí dung liều lượng 0.22mg/nhát xịt.
- Adrenaline kết hợp với các thuốc khác.
Hướng dẫn dùng Adrenaline
Hãy lưu ý rằng việc chỉ định và dùng Adrenaline (Epinephrin) cần được thực hiện bởi bác bỏ sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng loại thuốc này tự sử dụng hoặc vì những mục đích khác.
Cách dùng
Tùy theo mỗi dạng bào chế và phương pháp điều trị bệnh mà có cách sử dụng Adrenaline khác nhau, cụ thể:
- Adrenaline dạng tiêm: Có thể sử dụng để tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da, nội khí quản, tiêm nội nhãn cầu,… Hạn chế tiêm vào mông khi tiêm bắp mà thay vào đó nên tiêm vào vùng bắp bên ngoài phía trước của đùi đối với các trường hợp sốc phản vệ. Cấm tuyệt đối việc tiêm dung dịch Adrenaline chưa qua pha loãng vào tĩnh mạch người bệnh.
- Dạng hít: Dung dịch Adrenaline cần được pha loãng và cho bệnh nhân hít trong vòng 15 phút trở lên.
- Nội khí quản: Hòa thuốc trong nước cất rồi xịt thuốc nhanh vào đường khí quản khi thuốc qua catheter qua đầu của ống khí quản rồi bơm nhanh vài lần trong quá trình ép ngực.
Ngoài ra, cách pha Adrenaline và liều lượng cụ thể cần được tính toán và thực hiện bởi bác sĩ tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân cũng như khả năng đáp ứng của từng người bệnh.
Liều dùng
Dưới đây là một số gợi ý của các chuyên gia y tế về liều sử dụng của thuốc Adrenaline. Tuy nhiên, bệnh nhân bắt buộc nghe theo chỉ định điều trị dành cho mình của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này.
Adrenaline (Epinephrine) được ưu tiên dùng trong điều trị sốc phản vệ theo liều lượng như sau:
- Liều người lớn: Khởi đầu tiêm dưới da hoặc tiêm bắp liều 0.3 – 0.5ml dung dịch Adrenalin 1mg/ml mỗi khoảng 20 – 30 phút. Nếu không thấy chuyển biến, chuyển sang tiêm đường tĩnh mạch liều 3 – 5 ml dung dịch Adrenaline với nồng độ 0.1mg/ml cách nhau 5 – 10 phút.
- Trường hợp trụy tim mạch nặng thì bác sĩ có thể cần tiêm trực tiếp Adrenaline vào tim bệnh nhân.
- Khi xảy ra sốc nặng, khó thở nghiêm trọng hoặc tắc đường hô hấp thì bắt buộc dùng thuốc đường tĩnh mạch.
Adrenaline được sử dụng với trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim theo liều lượng như sau:
- Tiêm tĩnh mạch liều 0.5 – 1mg cách nhau khoảng 3 – 5 phút/lần.
- Nếu bị ngừng tim trước khi được đưa đến bệnh viện thì cần dùng liều cao tiêm tĩnh mạch lên tới 5mg.
- Có thể truyền tĩnh mạch liên tiếp 0.2 – 0.6 mg/phút trong trường hợp bắt buộc hoặc tiêm thẳng vào tim bệnh nhân 0.1 – 1mg Adrenaline pha thêm vài ml dung dịch muối hoặc glucose đẳng trương.
- Adrenaline thường sẽ được dùng trong các trường hợp ngừng tim mà việc điều trị rung thất bằng sốc điện không hiệu quả.
- Liều khuyên sử dụng đối với trẻ em dưới 18 tuổi là từ 7 – 27 mcg/kg.
Chống chỉ định Adrenaline
Thuốc Adrenaline không được chỉ định sử dụng đối với những trường hợp sau:
- Bệnh nhân được thực hiện gây mê bằng thuốc Cyclopropan, Halothan hoặc các loại thuốc mê thuộc nhóm Halothan vì có thể gây rung tâm thất.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị trầm cảm thuộc nhóm ức chế MAO trong vòng 2 tuần gần nhất.
- Người bị suy mạch vành, giãn cơ tim hay các bệnh tim mạch nặng khác.
- Bí tiểu.
- Glôcôm góc đóng.
- Bệnh nhân bị tổn thương não, sốc không phải do phản vệ.
- Đái tháo đường, tăng huyết áp, cường giáp, phụ nữ mang thai bị huyết áp cao,…
- Quá mẫn với các thuốc nhóm kích thích thần kinh giao cảm.
- Không sử dụng Adrenaline cùng lúc với thuốc tiêm gây tê tại chỗ ở các khu vực đầu chi hay tai vì làm tăng nguy cơ làm co mạch.
Tác dụng phụ
Việc sử dụng thuốc Adrenaline có gây ra một số tác dụng phụ và cách xử trí chúng cần tuân theo hướng dẫn như sau
Một số tác dụng không mong muốn của Adrenalin
Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng Adrenaline cho bệnh nhân:
- Toàn thân: Nhức đầu, đổ mồ hôi trộm, hồi hộp, nhức mỏi toàn thân.
- Tim mạch: Tăng nhịp tim đột biến, huyết áp tăng, đánh trống ngực.
- Thần kinh: Lo âu, hồi hộp, căng thẳng, run, chóng mặt, đau đầu,…
- Tiêu hóa: Nước bọt tiết ra nhiều bất thường.
- Da: Tái nhợt.
Các tác dụng phụ của Adrenaline ít gặp:
- Tim mạch: Bị loạn nhịp thất.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, khó ăn.
- Thần kinh: Bồn chồn, sợ hãi, mất ngủ, kích động.
- Tiết niệu – sinh dục: Khó đi tiểu.
- Hô hấp: Khó thở, sưng phổi.
Những tác dụng phụ hiếm gặp khi dùng Adrenaline điều trị bệnh:
- Tim mạch: Có thể bị xuất huyết não, hoại tử tim, tụt huyết áp, loạn nhịp, phổi bị phù, đau thắt ngực, chóng mặt hoa mắt hoặc choáng ngất,…
- Thần kinh: Cảm thấy lú lẫn, khó tập trung, tinh thần rối loạn, xuất huyết não.
- Rối loạn chuyển hóa: Đặc biệt có thể gặp tình trạng rối loạn chuyển hóa Glucose.
Cách xử trí khi xuất hiện tác dụng phụ trong quá trình dùng Adrenaline
Tham khảo các phương án xử trí sau đây để ngăn ngừa và xử lý khi gặp phải những tác dụng không mong muốn khi sử dụng Adrenaline:
- Trường hợp vô ý tiêm vào các vị trí đầu chi như ngón chân, ngón tay, bàn tay, bàn chân: Thường sẽ thấy một số phản ứng tại chỗ bao gồm lạnh ngắt, tím tái, bầm máu, xuất huyết, mất cảm giác, ban đỏ,… thì cần thông báo tình trạng và các triệu chứng cho bác sĩ ngay lập tức.
- Khi có các dấu hiệu như mẫn cảm với thuốc hoặc khó chịu nào khác xuất hiện thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay.
- Trường hợp thuốc bị lọt vào mạch máu: Cần giải độc bằng cách sử dụng Phentolamine và theo dõi chặt chẽ tình trạng sau khi tiêm.
- Bệnh nhân khi được dùng loại thuốc này thì cần được theo dõi sát sao các chức năng của tim phổi cũng như các chỉ số sinh hiệu khác.
- Cần kiểm tra diện tích nội mạch trước khi sử dụng thuốc này trong điều trị tụt huyết áp.
Các trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc
Cấm tuyệt đối tiêm thuốc Adrenaline (Epinephrine) mà chưa qua pha loãng vào tĩnh mạch của người bệnh. Ngoài ra, bạn cần thận trọng khi dùng thuốc này đối với những đối tượng sau:
- Quá mẫn cảm với các thành phần có trong Adrenaline hoặc bị cường giáp.
- Mắc các bệnh tim mạch: Như loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, co thắt ngực, phình động mạch,…
- Đái tháo đường
- Glôcôm góc hẹp.
- Người đang sử dụng thuốc Glycosid tim, thuốc chống trầm cảm hay Quinidin,…
Tiêm Adrenaline tĩnh mạch nhanh sẽ có nguy cơ gây tử vong do khả năng bị loạn nhịp tim nghiêm trọng hay xuất huyết não. Tuy nhiên, trong các trường hợp bệnh nhân đã bị ngừng tim và mất mạch thì vẫn nên thực hiện việc tiêm tĩnh mạch nhanh.
Tránh dùng Adrenaline này tại đầu chi, tai, dương vật,… của người bệnh vì có thể gây tổn thương mô, xương, xung huyết, ban đỏ tại các vị trí này. Nếu xảy ra các triệu chứng trên khi dùng thuốc, bệnh nhân cần được đưa tới cơ sở y tếđể cấp cứu ngay lập tức.
Tương tác thuốc với các dược phẩm, chất khác
Adrenaline (Epinephrine) có thể tương tác với một số loại thuốc sau và làm thay đổi khả năng hoạt động của chúng:
- Propranolol và một số thuốc chẹn beta không chọn lọc khác.
- Thuốc an thần nhóm ức chế MAO.
- Thuốc gây mê bay hơi nhóm Halothan vì nguy cơ gây ra tình trạng loạn nhịp tim.
- Ma hoàng, Yohimbine: Khi dùng cùng Adrenaline có thể gây ra tình trạng kích thích thần kinh trung ương.
Giá của Adrenaline là bao nhiêu?
Thuốc Adrenaline hiện đang được bán tại các nhà thuốc với mức giá tham khảo khoảng 45.000 – 60.000 VNĐ/hộp 10 ống x 1ml.
Thuốc Adrenaline là loại thuốc được sử dụng rộng rãi hiện nay trong hồi sức tim phổi cũng như cấp cứu ngừng tim và sốc phản vệ. Trên đây là những thông tin tham khảo từ các chuyên gia y tế về loại thuốc này mà bạn nên biết. Nếu gặp phải bất cứ thắc mắc hay vấn đề gì đối với việc dùng thuốc, hãy liên lạc với bác sĩ chủ trị của bạn để được tư vấn cụ thể hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!