Acarbose: Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu Ý Khi Sử Dụng
Thuốc Acarbose là một loại thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường được sản xuất dưới dạng viên uống. Đây là loại thuốc cần phải được sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn những thông tin hữu ích để bạn hiểu rõ hơn về công dụng, liều lượng và những lưu ý khi dùng thuốc Acarbose.
Acarbose là thuốc gì?
Acarbose là thuốc được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) type 2. Với cơ chế làm chậm hoạt động của một số loại enzyme phân huỷ thức ăn thành đường, Acarbose giúp quá trình tiêu hóa carbohydrate diễn ra lâu hơn, giữ cho lượng đường trong máu không tăng sau khi ăn.
Đặc biệt, Acarbose không làm tăng tiết insulin, không gây giảm glucose máu. Đồng thời, Acarbose chủ yếu làm chậm hơn là ngăn cản hấp thụ glucose nên thuốc không làm mất nhiều calo, không gây sụt cân ở người bình thường và những người đái tháo đường.
Dưới đây là một số thông tin bổ sung về loại thuốc này:
- Tên quốc tế: Acarbose.
- Biệt dược gốc: Glucobay.
- Các hàm lượng: Acarbose 25mg, Acarbose 50mg và Acarbose 100mg.
- Thành phần: Acarbose.
- Dạng bào chế: Viên nén.
Liều dùng, cách dùng thuốc
Acarbose được dùng theo đường uống, bệnh nhân chỉ sử dụng khi có chỉ định/đơn thuốc của bác sĩ.
Liều dùng
- Liều khởi đầu: 25mg.
- Sau 4 – 8 tuần: Điều chỉnh tăng liều cho đến khi đạt được nồng độ glucose sau 1 giờ như mong muốn. Liều tối đa cho bệnh nhân nặng dưới 60kg là 50mg x 3 lần/ngày, đối với bệnh nhân nặng trên 60kg dùng liều 100mg x 3 lần/ngày.
- Liều duy trì: 50 – 100mg/lần x 3 lần/ngày. Hoặc tuỳ vào cơ địa bệnh nhân bác sĩ có thể chỉ định liều dùng 50mg để giảm bớt tác dụng phụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả như khi dùng liều 100mg.
Cách dùng
- Uống thuốc trước khi ăn nhằm giảm nồng độ glucose máu sau ăn.
- Nhai thuốc cùng miếng ăn đầu tiên hoặc nuốt cả viên với nước ngay trước khi ăn, thời gian dùng thuốc không hạn chế.
- Trong thời gian điều trị phải định lượng nồng độ glucose 1 giờ sau ăn nhằm xác định đáp ứng thuốc và liều tối thiểu có tác dụng của Acarbose.
- Người bệnh cần theo dõi, kiểm tra Hemoglobin glycosylat 3 tháng/lần nhằm đánh giá glucose dài hạn.
Trường hợp dùng quá liều
Nếu uống Acarbose quá liều hệ tiêu hoá sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Lúc này cần ngưng thuốc và điều trị các rối loạn tiêu hoá, đồng thời tránh dùng đồ uống hoặc đồ ăn chứa Carbohydrate trong 4 – 6 ngày sau khi quá liều.
Trường hợp quên liều
Nếu không may quên liều, hãy uống Acarbose càng sớm càng tốt. Nếu đã gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều bị quên và uống liều kế tiếp vào đúng thời điểm theo kế hoạch. Tuyệt đối không uống “bù” gấp đôi liều được chỉ định.
Chống chỉ định khi dùng thuốc Acarbose
Acarbose chống chỉ định cho các trường hợp sau:
- Bệnh nhân quá mẫn với Acarbose, có tiền sử dị ứng với Acarbose.
- Đối tượng là phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời gian cho con bú.
- Bệnh nhân bị viêm nhiễm đường ruột, nhất là những người bị viêm – loét.
- Nhóm bệnh nhân hạ đường huyết (lượng đường trong máu giảm).
- Các trường hợp đái tháo đường nhiễm toan thể ceton.
Ngoài ra, người bị suy gan, tăng men gan nên cẩn trọng vì Acarbose có thể gây hạ glucose máu nếu dùng đồng thời cùng thuốc chống đái tháo đường Sulfonylurea. Do vậy, khi điều trị hạ glucose máu phải dùng Glucose uống (Dextrose), không sử dụng Sucrose vi hấp thu Glucose không bị ức chế bởi thuốc Acarbose.
Tác dụng phụ không mong muốn
Trong thời gian sử dụng Acarbose điều trị đái tháo đường, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau:
- Tác dụng phụ phổ biến: Đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi thường xuất hiện trong vài tuần đầu sau khi dùng thuốc. Khi cơ thể đã thích nghi với thuốc thì những triệu chứng này sẽ thuyên giảm. Trong trường hợp các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng cần báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.
- Tác dụng phụ nghiêm trọng: Sưng tấy, phát ban trên da, sốt, khó thở, tức ngực, vàng da, vàng mắt, đau dạ dày, bệnh bụi phổi cystoides gutis gây tắc nghẽn hoặc chảy máu đường ruột. Nếu các triệu chứng này xuất hiện cần đến nay cơ sở y tế để kiểm tra.
Tương tác thuốc
Acarbose có thể phát sinh phản ứng/tương tác với một số nhóm thuốc dưới đây:
- Thuốc tiểu đường khác:
Ví dụ như Glyburide hoặc Glimepiride, Insulin… Khi dùng chung sẽ làm hạ đường huyết, làm nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, chóng mặt, đói, thậm chí là lú lẫn.
- Estrogen và thuốc tránh thai:
Khi dùng chung Acarbose với các thuốc nội tiết như Norgestimate, Levonorgestrel, Norethindrone hay Drospirenone có thể gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
- Thuốc lợi tiểu:
Nếu sử dụng đồng thời thuốc chống đái tháo đường Acarbose với một số loại thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid như Hydrochlorothiazide, Chlorthalidone hoặc nhóm Quai như Furosemide, Torsemide, Bumetanide có thể khiến cơ thể mất nước khiến lượng đường trong máu quá cao, làm tăng đường huyết.
- Corticosteroid:
Dùng Acarbose với corticosteroid làm lượng đường trong máu cao, gây tăng đường huyết. Một số corticosteroid điển hình như methylprednisolone, prednisone, prednisolone, hydrocortisone.
- Thuốc chống loạn thần:
Các loại thuốc chống loạn thần, điển hình là Chlorpromazine khi dùng chung với Acarbose có thể làm lượng đường trong máu cao, dẫn tới tăng đường huyết.
- Thuốc co giật:
Một số thuốc chống co giật như Fosphenytoin hay Phenytoin khi dùng chung với Acarbose cũng có thể ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết của bệnh nhân.
- Axit nicotinic (Niacin):
Sử dụng Niacin đồng thời Acarbose cũng khiến lượng đường trong máu của bệnh nhân cao, làm tăng đường huyết.
- Thuốc cường giao cảm:
Các loại thuốc cường giao cảm khi dùng đồng thời với Acarbose có thể gây ảnh hưởng tới lượng đường trong máu người bệnh là Phenylephrine hay Pseudoephedrine.
- Thuốc huyết áp:
Một số thuốc huyết áp nhóm chẹn Beta có tác dụng trì hoãn, giúp lượng đường trong máu trở về mức bình thường. Tuy nhiên, cũng có những loại thuốc khiến lượng đường trong máu giảm thấp, phát sinh các triệu chứng đánh trống ngực, run rẩy, nhịp tim cao hơn bình thường.
Có thể kể đến một số loại thuốc huyết áp nhóm Beta như: Atenolol, Metoprolol, Propranolol, Nadolol, Bisoprolol.
- Thuốc lao:
Dùng đồng thời Acarbose với thuốc lao Isoniazid khiến lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
- Thuốc tim mạch:
Thuốc tim mạch Digoxin khi có thể khiến hàm lượng digoxin trong cơ thể bệnh nhân thay đổi khi dùng với Acarbose. Nếu trong thời gian điều trị bệnh tim mạch với Digoxin, hãy liên hệ bác sĩ để được chỉnh liều.
Ngoài ra, Acarbose có thể cản trở hấp thu hoặc chuyển hóa sắt trong cơ thể. Tuy nhiên, tương tác này là không nhiều và ít khi xảy ra.
Bảo quản Acarbose
Thuốc Acarbose cần được bảo quản trong điều kiện sau:
- Nhiệt độ lý tưởng nhất để bảo quản thuốc là dưới 25°C (nhiệt độ phòng), tránh nơi có độ ẩm và nhiệt quá cao, bị ánh sáng chiếu trực tiếp.
- Luôn để thuốc tại vị trí an toàn, tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi, tốt nhất nên cất trữ tại tủ thuốc.
- Không vứt thuốc vào nhà vệ sinh hay xả thuốc theo đường ống nước thải.
Giá thuốc Acarbose là bao nhiêu?
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc Acarbose với hàm lượng, nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Dưới đây là bảng giá để bệnh nhân tham khảo:
- Acarbose của Đức: Khoảng 569.000đ/hộp loại 100mg và 332.000đ/hộp loại 50mg.
- Acarbose của Ý: Khoảng 505.000đ/hộp.
- Acarbose của Việt Nam: Khoảng 570.000đ/hộp loại 100mg.
Lưu ý khi dùng Acarbose
Trong quá trình sử dụng thuốc Acarbose điều trị đái tháo đường, bệnh nhân cần lưu ý:
- Khi thăm khám, lấy thuốc cần nói rõ với bác sĩ loại thuốc kê đơn, vitamin, khoáng chất hay bất cứ thảo dược nào đang sử dụng.
- Theo dõi sức khoẻ, chủ động báo ngay với bác sĩ nếu phát sinh bất cứ triệu chứng bất thường nào.
- Trong thời gian dùng thuốc, tuyệt đối tránh sử dụng rượu bia, các chất kích thích để không làm giảm tác dụng của thuốc.
- Tuyệt đối không được tự ý tăng/giảm liều lượng so với đơn thuốc đã được kê, việc lạm dụng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
- Luôn kiểm tra đường huyết thường xuyên, ghi chép lại nhằm theo dõi sức khoẻ và khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể.
- Không dùng thuốc khi thuốc đã hết hạn, viên uống bị thay đổi màu sắc, trạng thái.
Acarbose là thuốc điều trị đái tháo đường chỉ được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Do vậy, nếu đang gặp các triệu chứng bệnh tiểu đường và muốn sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở chuyên khoa. Căn cứ vào tình trạng bệnh, cơ địa của mỗi người mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!